Theo Vitas, doanh nghiệp sẽ bị sức ép kép dẫn tới đổ bể hoặc thu hẹp sản xuất nếu như tăng lương tối thiểu vùng ở mức 2 con số. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet



Ngày mai (3/9), Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp bàn lần thứ 3, chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2016, sau 2 lần họp bàn thất bại, do có sự chênh lệch lớn giữa các bên: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 16,8%, hoặc thấp nhất 14,8%, Giới chủ sử dụng lao động 10%...
Theo đó, ngành dệt may với hơn 4,5 triệu lao động (trực tiếp lẫn gián tiếp) vẫn giữ nguyên đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6 – 7%.
Tại cuộc gặp của Vitas với các đại diện giới chủ sử dụng lao động hôm 31/8/2015, hầu hết các đề xuất tăng lương từ đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất mức tăng dưới 10%.
Cụ thể, theo các thông tin mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được từ các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, thì Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất 5-6%; Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan 5%; Các Hiệp hội Doanh nghiệp khác từ 5-7%.
Riêng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản với các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả nhất ở Việt Nam đề xuất mức tăng dưới 10%.
“Từ những đề xuất này, xem xét trên tổng thể quy mô và sức khỏe doanh nghiệp, VCCI đã đề xuất một mức tăng cao nhất là 10%, đó cũng là mức tăng cao nhất mà các doanh nghiệp có thể cố gắng, nỗ lực để đạt được”, đại diện VCCI cho hay.
Còn mức tăng cao hơn 10% đồng nghĩa là sẽ có một loạt các doanh nghiệp đổ bể, đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải bớt công nhân để tồn tại.
Do vậy mức tăng 10% đang được nhiều doanh nghiệp đồng tình và cố gắng để đạt được mức tăng này.
Trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Đặng Phương Dung, Phó tổng thư ký Vitas cho rằng, ngành dệt may, da giày là ngành thâm dụng lao động, chưa có nhiều giá trị gia tăng nhưng đang đóng vai trò lịch sử trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian sắp tới trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho xã hội phát triển ổn định cũng như tăng nguồn thu ngoại tệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Vì những lý do trên, các doanh nghiệp dệt may một lần nữa cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 6-7% là phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, có sức cạnh tranh.
Theo bà Dung, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang phải chịu sức ép của vấn đề phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, sức cạnh tranh đang bị giảm nghiêm trọng. Nếu tăng lương tối thiểu vùng với 2 con số như Tổng Liên đoàn lao động đề xuất đồng nghĩa các doanh nghiệp sẽ bị sức ép kép, dẫn tới đổ bể hoặc thu hẹp sản xuất, vốn đã bị yếu thế trước các doanh nghiệp FDI và sẽ khó tồn tại đến 2018 để có cơ hội được hưởng lợi từ FTA, TPP mang lại.
Thế Hải

Theo baodautu.vn