Tới đây, áp lực này sẽ còn tăng lên khi Dự thảo sửa đổi Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN đã loại thêm một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn cổ phần hay nắm giữ cổ phần chi phối. Nếu được chấp nhận, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ chỉ còn 158 doanh nghiệp, giảm hơn một nửa so với 480 doanh nghiệp hiện có. Như vậy, số lượng DNNN thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong những năm tới sẽ tăng mạnh.
Điều quan trọng là, “cơ hội” để chần chừ, đứng ngoài tiến trình tái cơ cấu của không ít DNNN chưa được gọi tên sẽ không còn. Hơn thế, những lấn cấn xung quanh câu chuyện tỷ lệ thoái vốn nhà nước chưa đủ để hấp dẫn nhà đầu tư cũng sẽ được tháo dần.
Phân tích kỹ hơn, chiếu theo dự thảo tiêu chí đang được đề xuất, 39 doanh nghiệp sẽ thoái vốn với mức vốn nhà nước nắm từ 65%; 147 doanh nghiệp vốn nhà nước còn từ 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần. 136 doanh nghiệp còn lại sẽ thoái vốn toàn bộ, trong đó có cả doanh nghiệp nắm hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu, cốt lõi của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; những doanh nghiệp có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh… - những “món hàng” đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, dù cách phân loại này đã thu hẹp hơn so với Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg hiện hành, song có lẽ cũng nên cân nhắc chỉ chia các doanh nghiệp này thành hai nhóm: nhóm thoái vốn dưới 50% và nhóm không giới hạn tỷ lệ. Với cách này, quyền tự chủ sẽ được trao lại cho doanh nghiệp, tránh tình trạng cứ mỗi lần IPO thất bại do tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ quá lớn, nhà đầu tư không có cơ hội mua được số lượng cổ phần đủ lớn để có quyền tham gia điều hành doanh nghiệp, thì doanh nghiệp lại phải trình xin nới…
Cũng với cách không phân chia quá chi tiết tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ, nới rộng lĩnh vực Nhà nước không nắm vốn, giải pháp bán vốn theo lô, theo đó, các nhà đầu tư đủ năng lực vốn, trình độ quản trị và cam kết ở lại lâu dài với doanh nghiệp, thậm chí bán hết phần vốn ở lĩnh vực không cần nắm giữ cho các nhà đầu tư sẽ là giải pháp kích thích thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp thông qua kênh cổ phần hóa DNNN.
Tất nhiên, không dễ để hoàn tất thêm số lượng công việc mới khi tiến độ cổ phần hóa DNNN trong năm 2015 đang khá chậm chạp. Cho đến thời điểm này, nhiều khả năng chỉ hoàn thành cổ phần hóa 200 trong tổng số 289 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2015.
Cũng phải nói thêm, các doanh nghiệp trong kế hoạch này, bao gồm cả 89 doanh nghiệp đang trong diện khó hoàn thành tiến độ, đều do các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước căn cứ Quyết định 37/2014/QĐ-TTg để phân loại, xây dựng phương sắp xếp. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, nhiều phương án sắp xếp đã bị chậm từ 8 tháng đến 1 năm so với thời điểm hiệu lực của Quyết định 37/2014/QĐ-TTg. Đây cũng là một trong những lý do đẩy lùi tiến độ cổ phần hóa nhiều DNNN trong danh sách.
Chính vì vậy, trong lần thay đổi tiêu chí phân loại DNNN này, để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Phương án tổng thể về sắp xếp DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế để ban hành kèm theo Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cần thiết.
Việc ban hành một danh mục kèm theo Quyết định này một mặt sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt phương án tổng thể, mặt khác tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của tiêu chí phân loại, làm rõ trách nhiệm chuẩn bị và triển khai thực hiện.
Khánh An

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: