Doanh nghiệp, người sản xuất phải liên kết thành những hiệp hội theo đúng nghĩa và có tiếng nói nhiều hơn trong xây dựng chính sách là hướng đi quan trọng để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng




Một quả trứng, một con gà phải cõng tới 14 loại phí, một con heo trước khi ra đến chợ cũng phải cõng gần chục loại phí là ví dụ rõ nhất về những hạn chế trong chính sách và là một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của Việt Nam thua ngay trên sân nhà, ngay cả khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa ký kết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chưa hình thành.
Một ví dụ nữa là thời gian qua, khi đùi gà Mỹ giá siêu rẻ (20.000 đồng/kg) tràn vào Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đã lên tiếng đòi kiện Mỹ về việc bán phá giá, nhưng vụ kiện khó thành bởi các hàng rào kỹ thuật hữu hiệu chưa được xây dựng.
Cần phải nói thêm, kiện bán phá giá là hàng rào kỹ thuật mà nhiều nước áp dụng trong hội nhập, trong đó vai trò hàng đầu thuộc về các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Các vụ kiện chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng với Việt Nam cũng do áp lực của các hiệp hội ngành hàng tại Mỹ.
Hai ví dụ trên cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi, song cũng có vai trò rất lớn trong hội nhập. Đây là lý do khiến công tác xây dựng chính sách hiện nay cần có sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp và những người sản xuất. Song muốn làm được điều này, không chỉ tư duy của cơ quan quản lý, mà cách thức tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, nông dân cũng phải thay đổi.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mỗi năm, các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành khoảng 1.000 văn bản pháp luật, trong đó có khoảng 50% quy định trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách cũng là yếu tố tác động lớn nhất đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (sau yếu tố biến động về tỷ giá, lạm phát và lãi suất).
Ở nhiều quốc gia, trước khi ký các cam kết mở cửa, Chính phủ luôn lấy ý kiến của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng để đưa ra các chính sách có lợi nhất. Như vậy, nếu công tác này bị xem nhẹ, thì sẽ khó ước định được tác động bất lợi với doanh nghiệp trong nước khi mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới. Thực tế cho thấy, dù hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, song số doanh nghiệp tận dụng được cơ hội mà các hiệp định này mang lại chưa nhiều, một phần vì các chính sách đưa ra chưa phù hợp.
Sở dĩ công tác góp ý, xây dựng pháp luật còn yếu là do doanh nghiệp trong nước ít quan tâm đến quá trình xây dựng chính sách, ý kiến của các doanh nghiệp chưa được cơ quan soạn thảo coi trọng đúng mức. Cá biệt có một số chính sách còn mang tính áp đặt.
Đã có khuyến nghị cho rằng, khi hội nhập ngày càng sâu rộng, không chỉ cơ quan chức năng khi xây dựng chính sách cần quan tâm hơn đến tiếng nói của doanh nghiệp, mà bản thân doanh nghiệp cũng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp, người sản xuất trước hết phải tăng sức mạnh liên kết, hình thành những hiệp hội đúng nghĩa, đủ sức cạnh tranh.
Chỉ như vậy, các doanh nghiệp, thậm chí là những người sản xuất nhỏ lẻ, mới có thể tổ chức các cuộc đàm phán với cơ quan chính phủ, vận động điều chỉnh chính sách, góp ý xây dựng chính sách hay kiến nghị hình thành các hàng rào kỹ thuật phù hợp để ứng phó với làn sóng hàng nhập khẩu đổ vào Việt Nam… Khi đó, người dân và doanh nghiệp không chỉ giảm chi phí, có ưu thế hơn trong thương lượng giá cả, mà còn có tiếng nói trọng lượng hơn khi góp ý xây dựng chính sách, qua đó tăng năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn