Kính nội vất vả tìm thị phần trên sân nhà
Ông Nguyễn Công Chính, Tổng giám đốc Sado Group (tỉnh Đồng Nai), doanh nghiệp đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng hai nhà máy sản xuất kính, nhôm kính hiện đại bậc nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu cho biết: các doanh nghiệp nước ngoài đã tận dụng ngành kính còn non trẻ của Việt Nam để làm giá, bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp trong nước hoặc các đối tác không đáp ứng được, để đưa kính từ nước họ vào công trình với giá “cắt cổ”.
Hiện, chủ đầu tư các công trình trong nước phải mua sản phẩm kính thành phẩm Viracon sản xuất ở Mỹ với giá khoảng 150 - 300 USD/m2. Theo ông Chính, mức giá này quá cao.
“Hầu hết các công trình cao tầng đều do các tập đoàn tư vấn, thiết kế nước ngoài đảm trách và quá trình lập dự án họ chỉ định phải sử dụng kính nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài, vô hình trung các doanh nghiệp sản xuất kính trong nước bị loại ngay từ vòng gửi xe”, ông Chính nói.






Kính nội có chất lượng cao, song bị chèn ép bởi tâm kính nhập khẩu chất lượng thấp và tâm lý sính ngoại





Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera (tỉnh Bình Dương) nêu thêm bất cập, trong khi ở nước ngoài, trước khi quyết định mua sản phẩm kính, người tiêu dùng luôn nghiên cứu rất kỹ quy mô, năng lực sản xuất của đối tác, tham quan trực tiếp nhà máy để “mục sở thị”. Còn trong nước, tất cả phụ thuộc vào môi giới để quyết định mua hàng, dẫn tới hiện tượng hàng rởm, hàng nhái khá phổ biến. Nghịch lý là người tiêu dùng vẫn phải trả giá đắt đỏ như hàng thật.
Ngoài ra, công tác quản lý thị trường còn bị buông lỏng, dẫn tới hiện tượng kính nhập tiểu ngạch, nhập lậu, thiếu kiểm soát, tràn lan, không đúng tiêu chuẩn chất lượng, nhất là về độ dày như công bố. Doanh nghiệp nhập khẩu công bố tiêu chuẩn kính 2mm, thì thực tế chỉ có 1,7mm hay kính 5mm chỉ còn 4,5mm, người tiêu dùng không thể phát hiện bằng mắt thường, nhất là khi đã lắp dựng lên công trình. Tình trạng này diễn ra thời gian dài làm thị trường kính xây dựng méo mó, cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Khoa nêu bức xúc: “Tháng 10/2014, Tập đoàn kính Saint Gobain (Pháp) đã phải tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn nhà máy ở Trung Quốc vì nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu Saint Gobain tràn lan tại thị trường này. Vậy mà, nhiều công trình xây dựng cao tầng trong nước vẫn sử dụng hàng rởm mang thương hiệu Saint Gobain nhập từ Trung Quốc. Đã đến lúc phải có hồi chuông cảnh báo cách làm ăn chụp giật, thiếu minh bạch và gian lận này”.
Về bất cập thuế suất thuế nhập khẩu kính cũng được nhiều doanh nghiệp không ít lần lên tiếng. Cụ thể, trong khi kính nguyên liệu nhập khẩu chịu mức thuế suất tới 35% thì kính thành phẩm chỉ chịu mức thuế 5%. Doanh nghiệp nhập khẩu lách luật đã cắt kính thành kích thước thành phẩm nhưng không qua gia công để khai báo là kính thành phẩm nhằm hưởng mức thuế suất có lợi hơn nhiều. “Gian lận này sẽ bóp chết các nhà sản xuất kính nguyên liệu và gia công kính trong nước”, ông Nguyễn Công Chính đánh giá thêm.
Cần sân chơi bình đẳng cho kính Việt
Ngành kính Việt Nam đã đi tắt đón đầu công nghệ hiện đại, công nghệ kính nổi với nhiều nhà đầu tư lớn như VFG (kính nổi Việt Nhật), VIFG (kính nổi Bình Dương), CFG (kính nổi Chu Lai)... với sản lượng hàng năm khoảng 180 triệu m2. Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Triển lãm Quốc tế VIETBUILD 2015 diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, ngoài công nghệ hiện đại, chúng ta có lợi thế áp đảo về nguồn nguyên liệu phần lớn có sẵn trong nước, chẳng có lý do gì mà ngành kính Việt Nam không làm được kính chất lượng cao và không thể dành phần thắng trong cạnh tranh với các thương hiệu của tập đoàn nước ngoài.
Cũng theo ông Cung, doanh nghiệp kính trong nước đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu cả về kính nguyên liệu và kính sau khi gia công.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trong nước không đứng ngoài “cuộc chơi”, chúng ta cần hành động để tạo lập sân chơi bình đẳng cho kính Việt.
“Thị trường cần thiết có sự điều chỉnh hợp lý hơn về thuế suất thuế nhập khẩu kính nguyên liệu và kính thành phẩm theo hướng dành ưu đãi khuyến khích sản xuất trong nước. Trước tiên, các doanh nghiệp ngành kính và thủy tinh cần lên tiếng mạnh mẽ để các cơ quan nhà nước có điều chỉnh bất cập, nhằm hạn chế thiệt thòi cho các doanh nghiệp gia công trong nước, giúp tạo công ăn việc làm, thu nhập, hạ giá thành và góp phần hạn chế nhập siêu”, ông Cung nói.
Về công tác quản lý hoạt động nhập khẩu kính, các doanh nghiệp đều kiến nghị, cần thiết phải thiết lập lại thị trường cho minh bạch. Hiện nay, việc quản lý chất lượng kính nhập khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Minh Khoa đề xuất, hàng nhập phải công bố tiêu chuẩn chất lượng và phải được kiểm tra đạt thì mới cho thông quan.
Để làm được điều này thì cần nâng cao năng lực của các cơ quan kiểm tra trong nước và có chế tài cụ thể về trách nhiệm quản lý hàng hóa nhập khẩu của các đơn vị này. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích sử dụng kính trong nước, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức người tiêu dùng cũng cần đẩy mạnh.
Ngọc Tuấn

Theo baodautu.vn