Tập đoàn HanesBrands, một trong những tập đoàn may mặc nổi tiếng của Mỹ, đã quyết định tăng cường đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mở rộng hoạt động các nhà máy may mặc hiện tại. Cụ thể, vào cuối năm nay, vốn đầu tư của HanesBrands (NYSE: HBI) tại Việt Nam sẽ nâng lên thành 55 triệu USD, thay vì 44 triệu USD hiện tại.
Việc HanesBrands tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn về việc đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư quan trọng trong bản đồ sản xuất toàn cầu của Tập đoàn.






HanesBrands là một trong số ít trong các doanh nghiệp may mặc chủ yếu tự vận hành sản xuất tại các nhà máy của Tập đoàn tại Mỹ, Mexico, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Honduras và Việt Nam (ảnh minh họa)





Hiện nay, tại Việt Nam, HanesBrands có 3 nhà máy, đặt tại tại 2 huyện Khoái Châu và Kim Động (tỉnh Hưng Yên) và Phú Bài (Huế). Năng suất hàng năm của HanesBrands Việt Nam hiện đạt 475 triệu sản phẩm, chiếm 20% tổng năng suất trên toàn cầu của Tập đoàn.
HanesBrands chính thức đầu tư tại Việt Nam từ năm 2007 để sản xuất các thương hiệu may mặc nổi tiếng thế giới như Hanes, Champion, Playtex, Bali, Maidenform, Flexees, JMS/Just My Size, barely there, Wonderbra và Gear for Sports.
Không chỉ là một trong những đơn vị dệt may lớn nhất Việt Nam, HanesBrands Việt Nam còn là đơn vị tiêu thụ sợi vải của Mỹ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 1 tỷ USD sợi vải Mỹ đã được tiêu thụ thông qua các nhà máy của hãng tại đây. Công ty hiện giải quyết việc làm cho 11.000 lao động địa phương.
Sau hơn 8 năm hoạt động tại Việt Nam, giá trị xuất khẩu của HanesBrands đã liên tục tăng trưởng. Trong năm 2014, với việc khánh thành nhà máy thứ ba tại huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên), tổng giá trị xuất khẩu của Công ty đã tăng lên 334 triệu USD. Giá trị xuất khẩu của Công ty trong năm 2015 ước tính sẽ đạt 355 triệu USD.
Ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Nhà máy HanesBrands Nam Hưng Yên (huyện Kim Động) cho biết, sau hơn một năm đi vào hoạt động, tháng 5 vừa qua, chúng tôi vui mừng kỷ niệm sự kiện lần đầu tiên xưởng sản xuất quần soóc nam đạt hiệu suất 80%.
“Hiện nhà máy đang là môi trường làm việc của hơn 3.000 người lao động. Chúng tôi kỳ vọng khi hoạt động hết công suất, nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương. Chúng tôi có tầm nhìn sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho nhà máy tại huyện Kim Động để đưa nhà máy trở thành một trong các trung tâm sản xuất xuất sắc của Tập đoàn HanesBrands trên toàn cầu”, ông Tuấn cho biết.
Trong chuyến thăm Nhà máy HanesBrands ngày 15/9/2015, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius đã biểu dương những kết quả HanesBrands Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Việc mở rộng đầu tư của HanesBrands tại Việt Nam được cho là xuất phát từ việc Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định TPP trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm may mặc phức tạp hơn cùng các công nghệ tiên tiến trong các năm tiếp theo để hỗ trợ cho sự phát triển của HanesBrands Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập hiệp định TPP”, ông Ajay Godbole, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á, Tập đoàn HanesBrands nhấn mạnh.
HanesBrands là một trong số ít trong các doanh nghiệp may mặc chủ yếu tự vận hành sản xuất tại các nhà máy của Tập đoàn tại Mỹ, Mexico, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Honduras và Việt Nam.
Có trụ sở tại Winston-Salem, TP. New York, nhưng HanesBrands có gần 59.500 nhân viên làm việc tại 35 quốc gia. Năm 2014, HanesBrands đạt doanh thu 5,32 tỷ USD, đứng thứ 490 trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: