EVN cam kết sẽ không xin điều chỉnh tăng giá điện đến hết năm 2015





Giá ổn định
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, với những doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ như EVN, chênh lệch tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và chi phí đầu tư. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, các khoản nợ ngắn hạn (các khoản phải trả nợ ngay của EVN bằng ngoại tệ) đã làm chi phí tăng thêm là khoảng 240 tỷ đồng do tỷ giá biến động. Tỷ giá thay đổi còn tác động tới giá khí đang được tính bằng USD khi bán cho sản xuất điện. Tỷ giá thay đổi khiến chi phí mua điện của các nhà máy điện chạy khí sẽ tăng thêm khoảng 1.800 tỷ đồng trong năm 2015. Như vậy có tổng cộng 2.000 tỷ đồng phải hạch toán ngay trong năm 2015.
Vẫn theo ông Tri, để bù đắp việc gia tăng của 2.000 tỷ đồng phát sinh do chênh lệch tỷ giá phải đưa ngay vào chi phí sản xuất trong năm 2015 này, EVN sẽ chỉ đạo các tổng công ty trực thuộc tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện có giá thành thấp, yêu cầu các nhà máy phát tăng sản lượng, huy động tối đa công suất để tăng lợi nhuận để bù đắp lại.
Đối với các khoản vay dài hạn, tỷ giá thay đổi khiến EVN phải chịu tăng thêm chi phí đến cuối năm 2015 là khoảng 10.000 tỷ đồng, sẽ được EVN tính toán, báo cáo Chính phủ cho phép phân bổ dần chi phí này trong nhiều năm, tương tự chênh lệch tỷ giá năm 2011.
Hồi năm 2011, trước những tác động của các lần điều chỉnh tỷ giá diễn ra trong năm, vào thời điểm 31/12/2011, EVN đã phải chịu khoản chênh lệch tỷ giá lên tới 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chênh lệch này được Chính phủ cho phép phân bổ dần vào và tới hết năm 2014 còn lại 4.800 tỷ đồng.
Nỗ lực của EVN nhằm bù đắp lại chi phí tỷ giá phát sinh cũng dựa trên mục tiêu mà Tập đoàn này đặt ra hồi đầu năm 2015 là “năng suất và hiệu quả”.
Cần nhắc lại thêm rằng, trong lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất, vào tháng 3/2015, với mức tăng 7,5%, liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương cũng cho rằng, để EVN có lãi, giá điện có thể sẽ phải tăng từ 9,5% đến gần 13%. Tuy nhiên, để cùng lúc hai mục tiêu là EVN không bị lỗ và đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%, kiểm soát lạm phát khoảng 5% theo đúng kế hoạch, giá điện đã được chấp nhận tăng ở mức 7,5%.
Vẫn lãng phí điện
Tính hết tháng 8/2015, cả nước ước thực hiện tiết kiệm được 2,095 tỷ kWh, bằng 2,23% sản lượng điện thương phẩm. Với thực tế này để điện được sử dụng hiệu quả thì chỉ riêng nỗ lực của ngành điện là không đủ. Theo thống kê của EVN, trong cơ cấu cấp điện cho nền kinh tế có 53,9% sản lượng điện vào công nghiệp, xây dựng và khu vực này làm ra 38% GDP. Lượng điện cấp cho thương mại dịch vụ hay nông nghiệp thấp, nhưng đóng góp trong GDP của những lĩnh vực này về tỷ lệ so với cấp điện lại cao cho thấy, thực tế sử dụng điện trong công nghiệp và xây dựng còn lãng phí.
Ông Phạm Lê Thanh, nguyên Tổng giám đốc EVN cho hay, xét về tổng thể, tăng trưởng điện thương phẩm tiêu thụ nội địa là 12,3% trong năm 2014 so với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,98% cho thấy hệ số đàn hồi vẫn rất cao, tới 2 lần. Trước đó, năm 2011, hệ số đàn hồi điện/GDP là 1,75. “EVN mới chỉ lo đủ điện cho phát triển đất nước với mức tăng trưởng cao, nhưng yêu cầu nền kinh tế sử dụng công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng, thì không thể mình EVN làm”, ông Thanh nói.
Năm 2015, EVN sẽ đầu tư 127.533 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, tăng 1,66% so với năm 2014. Nhưng dù gắng sức đầu tư thì việc tiêu dùng điện chưa hiệu quả và còn lãng phí sẽ khiến áp lực tài chính và đầu tư với ngành điện cũng như EVN còn rất lớn.
Hoàng Nam

Theo baodautu.vn