Tuyến Cát Linh - Hà Đông là công trình metro “lụt” nặng nhất về tiến độ. Ảnh: Đức Thanh




Những dự án “đen” và “xám”
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc đã thế chân một dự án đường sắt đô thị khác là Nhổn - Ga Hà Nội lọt vào danh sách các công trình chậm tiến độ chưa có cải thiện trong năm 2015.
Năng lực của tổng thầu EPC và tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu, nhưng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) không thể thay thế được vì bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn. Đây là một trong những lý do khiến tốc độ triển khai và giải ngân tuyến đường sắt đô thị quan trọng tại Hà Nội không thể tăng tốc như kỳ vọng, dù chủ đầu tư gần như đã phải “cầm tay chỉ việc” cho các đơn vị thi công.
“Việc đưa vào khai thác thương mại trước ngày 31/6/2016 là mục tiêu nhiều thách thức đối với dự án có tổng mức đầu tư lên tới 868 triệu USD”, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) thừa nhận.
Cần phải nói thêm rằng, trong danh sách các dự án chậm tiến độ chưa được cải thiện vừa được Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi công bố tại cuộc họp vào giữa tuần này, ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông, còn có một loạt công trình metro khác đang bị “lụt nặng” về tiến độ gồm: đường sắt đô thị 1 Hà Nội; tuyến số 2 TP.HCM đoạn Bến Thành - Tham Lương; tuyến số 2 TP. Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
“Những dự án có quy mô vốn ODA này thay vì trở thành đầu tàu lại đang là lực cản giải ngân vốn do tồn tại rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia, giữa tháng 7/2015, 4 nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Đức, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã có công thư gửi Chính phủ đề xuất việc thành lập Ban chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị đã triển khai và lập kế hoạch xây dựng các dự án trong thời gian tới cho hiệu quả.
Điều đáng nói là, nhiều dự án vừa được đưa khỏi danh sách đen cũng chưa thực sự có chuyển biến để có thể tạo sự bứt phá về tiến độ và giải ngân, trong đó có Dự án Đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc. “Công tác triển khai những công trình này mới chỉ dừng ở mức độ từ đen chuyển sang xám, nên chưa thể lạc quan được”, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá.
Được biết, danh mục dự án chậm tiến độ năm 2015 bao gồm cả 24 dự án có nhiều cải thiện, trong đó có những dự án “lưu cữu” khá lâu như: Xây dựng Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Đại học mới Việt Đức.
Gỡ những trở lực
Ngoài những nguyên nhân mang tính “kinh điển” làm chậm tiến độ triển khai các dự án ODA, như vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khác biệt quy trình, quy định giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, theo Ban Chỉ đạo quốc gia, còn có một nguyên nhân quan trọng khác khiến khối lượng giải ngân trong 6 tháng đầu năm nay sụt giảm một cách bất thường.
Cụ thể, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân hiện mới đạt khoảng 1,91 tỷ USD, trong đó ODA vốn vay là 1,736 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại là 0,181 tỷ USD. Khối lượng giải ngân vốn ODA thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái và cách khá xa kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 5,6 tỷ USD.
“Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Mặc dù vấn đề trên đã được tháo gỡ trong tháng 5/2015 nhờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song đã làm lỡ nhịp giải ngân, thậm chí có cả một số dự án đã có khối lượng hoàn thành lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.
Cũng phải nói thêm rằng, năm 2015 là thời điểm Việt Nam bắt đầu “tốt nghiệp” các khoản vay hỗ trợ phát triển có lãi suất thấp khi đã đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình. Hiện các nhà tài trợ song phương đã thay đổi chính sách viện trợ với Việt Nam theo hướng giảm dần hoặc chấm dứt viện trợ như Thụy Điển, Anh, Bỉ. “Ngay Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn cũng cắt giảm viện trợ không hoàn lại trong những năm gần đây”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Mặc dầu vậy, vẫn còn có một số cơ sở để tin rằng, việc giải ngân khoảng 5 tỷ USD vào cuối năm 2015 không phải là quá xa vời. Đầu tiên là việc vốn đối ứng cho các dự án ODA năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí, xử lý, điều tiết kịp thời và không còn là vấn đề bức xúc như mọi năm, trừ một số dự án đầu tư có quy mô lớn thuộc Bộ GTVT và TP. Hà Nội, TP.HCM, nhưng cũng chỉ xuất hiện tại một số thời điểm nhất định.
“Vốn đối ứng được bố trí đủ sẽ giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, mở ra cơ hội giải ngân các khối lượng thi công thực tế sử dụng vốn vay ODA”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá.
Được biết, Bộ GTVT đang là đầu tàu giải ngân ODA chính với tốc độ rất lớn, hoàn toàn vượt quá con số 1,2 tỷ USD đăng ký, với lực đẩy chính từ các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi. “Nếu được ban hành sớm, Nghị định mới sẽ tháo gỡ hầu hết những vướng mắc lớn trong quá trình triển khai các dự án ODA”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, các dự án bị chậm tiến độ nói trên đều có nguyên nhân sâu xa là chất lượng chuẩn bị không tốt, nên khi triển khai gặp nhiều lúng túng. Đối với công việc khó khăn như “chữa áo” này, các cơ quan chức năng cần phải sâu sát hơn để tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho các chủ đầu tư.
“Tôi đánh giá cao sự sát sao thực tế của Ban Chỉ đạo quốc gia mà thường trực là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề, bởi nếu không đẩy nhanh được tốc độ triển khai, giải ngân các dự án ODA thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế”, Phó thủ tướng đánh giá.
Anh Minh

Theo baodautu.vn