Gian nan buổi đầu
Sáng sớm gánh hàng ra chợ, chưa kịp bày hàng ra thì bà Nguyễn Thị Bính đã bị 4-5 người sấn đến gây gổ, không cho bán. Bà mạnh dạn đứng ra nói cho rõ trắng đen, bất kể mình yếu thế hơn. Thấy vậy, chồng bà đến nắm tay năn nỉ đi về làm nghề khác, vì sợ xảy ra chuyện không hay.
Đó chỉ là một trong muôn vàn trắc trở trong những ngày đầu lập nghiệp của thương hiệu bún tươi Nguyễn Bính nức tiếng đất Sài Gòn.
Khó có thể hình dung rằng, thương hiệu bún tươi Nguyễn Bính bán khắp Sài Gòn hiện nay là do một tay người phụ nữ chân yếu tay mềm dựng nên. Bà đảm nhiệm từ khâu làm bột cho tới tiếp thị sản phẩm đến từng khách hàng. Cũng chính bà thiết kế ra dây chuyền sản xuất bún tự động cho riêng mình. Nhưng chuyện làm bún không phải là ý muốn của bà ngay từ đầu.












Bà Nguyễn Thị Bính sinh năm 1970 ở Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Là con gái nhưng bà theo học ngành cơ khí và thiết kế chi tiết máy. Không những vậy, bà còn học thêm ngành điện và quản trị kinh doanh. Học xong, bà đi làm nhiều nghề khác nhau như cơ khí, trang điểm, buôn thịt lợn... mà chẳng hề đả động gì đến nghề gia truyền. 'Nghề bún vất vả lắm, phải thức khuya dậy sớm, bàn tay ngâm trong nước nóng rồi lại lạnh. Cực khổ vậy nên tôi không muốn làm', bà Bính tâm sự.
Nhưng nghề bún như một duyên nợ. Ngày nào, cha bà cũng khuyên bà nên theo nghề gia truyền, ông là hậu duệ đời thứ 4 trong một gia đình làm nghề này. 'Tôi nhớ mãi câu cha tôi dặn ngày trước: nghề này miễn đỏ lửa là có tiền con à, nếu chuyên tâm thì con không sợ đói đâu', bà rơm rớm nước mắt kể lại. Riêng bà, cũng trải qua nhiều đêm trăn trở không ngủ được mỗi khi nghĩ đến chuyện sát sinh hàng ngày khi buôn thịt lợn. Cuối cùng, năm 1999, bà quyết định bỏ việc đang làm để chọn sợi bún làm cơ nghiệp suốt đời.
Nghề gia truyền đề cao chất lượng sản phẩm và đòi hỏi tốn nhiều công sức. Những ngày đầu, một mình bà hì hục làm từ sáng tới khuya, có khi 2-3 ngày không chợp mắt, hai bàn tay sưng như nải chuối. Đến khi cho ra những mẻ bún đầu tiên để bỏ mối ở các chợ, bà bị khách hàng chê vì bún không đẹp như của người ta. Bán được 2 tháng, bà bị tịch thu hết đồ nghề vì không có giấy phép kinh doanh.
Chạy vạy mãi cũng xong, bà bắt tay làm lại. Lần này, bà tự đứng ra bán chứ không bỏ mối ở chợ nữa. Ai đi ngang qua bà cũng mời vào cho một ít về ăn thử. Dần dà, khi nhận ra chất lượng bún Nguyễn Bính, khách hàng đổ về nườm nượp. Từ chỗ bán được vài chục ký, lượng hàng bán ra đã tăng lên chục lần. Sau chưa đầy một năm khởi nghiệp, có ngày bà bán được cả tấn bún.
Khi việc kinh doanh đã ổn định, bà mướn thêm nhân công mở rộng sản xuất và lui về điều hành. Chính trong thời gian này, bà sắp xếp lại các thiết bị sản xuất. Bà là người đầu tiên đưa công nghệ lò hơi vào sản xuất bún bằng thiết kế riêng của mình. Từ lò hơi (để nấu bún), bà tiếp tục cải tiến lên lò điện, giúp chi phí nhiên liệu giảm được một nửa. Bà cũng tạo ra dây chuyền sản xuất bún tự động độc quyền, đưa công suất từ 200 kg lên 700 kg/giờ.
Hiện nay, bún tươi Thủ Đức Nguyễn Bính có mặt khắp các điểm bán ở Sài Gòn, với thị phần áp đảo so với hơn 400 lò bún hiện có trên địa bàn.
Bài toán mở rộng quy mô
Mở rộng quy mô luôn là bài toán không đơn giản với hầu hết doanh nghiệp, bún tươi Nguyễn Bính cũng không ngoại lệ.
Khi còn bán ở chợ, bà Bính đã gặp không ít sự phá rối từ những tiểu thương xung quanh. Sau nhiều lần chửi mắng, họ bôi chất bẩn lên sạp bán hàng. Trong 10 ngày liên tiếp, bà Bính phải chịu trận và tìm cách xử lý. Thậm chí, hàng ngày có hàng chục cuộc điện thoại hăm doạ đốt nhà, bắt con nhỏ của bà. Những trắc trở này xuất phát từ sản phẩm bún sạch của bà Bính.
Theo bà Bính, do ngâm hoá chất nên bún của nhiều tiểu thương khác tuy có màu sáng, nhưng sợi dễ gãy và bở hơn bún của bà. Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bà nhiều lần đệ đơn phản ánh tình trạng bún ngâm hoá chất và bị những người làm bún bẩn hăm doạ. Hoá chất này là Tinopal, vốn là loại hoá chất tẩy trắng trong ngành giấy công nghiệp, có thể dẫn đến ung thư nếu ăn lâu ngày.
Trước tiên, để tự bảo vệ mình, bà ra sản phẩm bún tươi đóng gói, nhằm tránh để đối tác trộn bún kém chất lượng vào và cũng để khẳng định thương hiệu. Những ngày đầu triển khai, tiểu thương phản đối rất dữ dội vì khiến họ lời ít đi so với bún rời có ngâm hoá chất. Bà đành chấp nhận chỉ in tên công ty lên bao bì mà không có địa chỉ cụ thể. Phải rất lâu sau đó, bà mới 'len lén' in thêm địa chỉ công ty và số điện thoại liên hệ. Đến nay, bún đóng gói đã chiếm 80% cơ cấu sản phẩm công ty, còn lại là bún rời.
Có sản phẩm rồi, nhưng đưa vào các hệ thống phân phối cũng không phải dễ. Bà Bính cho biết, kênh truyền thống nhiều chỗ chỉ trưng bày cho có, còn kênh hiện đại thì vướng nhiều rào cản. Một số siêu thị buộc bà phải bán bún rời để họ đóng gói với thương hiệu riêng, hoặc phải có tiền lót tay thì mới được trưng bày ở những vị trí khách hàng dễ nhìn thấy. Bởi vậy, dù có hợp tác với một số siêu thị nhưng lượng hàng chỉ bằng 1/10 doanh thu, bún Nguyễn Bính chủ yếu bán qua kênh bếp ăn công nghiệp, đại lý và tiểu thương ở chợ. Bà Bính ước tính, mỗi tháng Công ty bán được khoảng 1.000 tấn bún với tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu cỡ 20%.
Bà Nguyễn Thị Bính dự tính sẽ mở rộng thị trường sang các tỉnh và thành phố lớn, với hình thức tìm đại lý mới và nhượng quyền thương hiệu. Đồng thời, Công ty cũng sẽ đưa hàng ra nước ngoài bằng phương pháp đông lạnh. Kế hoạch mới khá thách thức vì cần nhiều vốn, trong khi nguồn vốn tự có của gia đình không đủ đáp ứng.
Nếu vay ngân hàng để xây dựng nhà máy, thì bà phải đối mặt với rủi ro lãi suất vay. Bởi vậy, bà cân nhắc đến khả năng bán bớt cổ phần. Vừa rồi, nhiều đối tác từ Nhật, Thái Lan, Đức đã đến đặt vấn đề hợp tác. Đây là cơ hội để Công ty mở rộng quy mô và thị trường, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Một đối tác Thái Lan muốn mua 60% cổ phần bún Nguyễn Bính, với định giá công ty hơn 100 tỷ đồng. Bà Bính cho biết, vẫn đang cân nhắc về tỷ lệ. 'Hoặc là chúng tôi sẽ bán 30% hoặc bán hết rồi tiếp tục hỗ trợ công ty phát triển. Chúng tôi muốn giữ quyền kiểm soát', bà cho biết.
Thực tế cho thấy, nếu không tỉnh táo, doanh nghiệp vừa và nhỏ như Nguyễn Bính rất dễ rơi vào 'bẫy' của các tập đoàn nước ngoài. Một khi họ nắm quyền chi phối, doanh nghiệp Việt dễ trở thành nơi phát triển không công cho các sản phẩm của họ, nếu không có các thoả thuận rõ ràng. Một trong số các đối tác này cũng đã đặt vấn đề hợp tác phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng của họ, sau khi mua 60% cổ phần Nguyễn Bính. Bài học từ những trường hợp như Dạ Lan, Tribeco hay Bibica vẫn còn đó.
Ngọc Dương

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: