Ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam



Luật Mặt trận Tổ quốc năm 1999 chỉ có 1 điều về hoạt động giám sát trong khi Luật Mặt trận Tổ quốc vừa được Chủ tịch nước công bố dành hẳn 1 chương quy định cụ thể về hoạt động giám sát. Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi này?
Hiến pháp năm 2013 đã đề cập chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217/QĐ-TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015 dành hẳn 1 chương quy định về giám sát thể hiện quan điểm của 2 văn bản quan trọng trên, nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp.
Để không cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoạt động giám sát được thực hiện thế nào?
Hoạt động giám sát rất khó và phức tạp, nên để thực hiện được, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ ban hành một văn bản liên tịch quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, quá trình, thủ tục giám sát và những vấn đề được phát hiện sau giám sát.
Văn bản trên chưa được ban hành, nhưng có thể nói đại ý rằng, hằng năm, căn cứ tình hình thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc Việt Ban sẽ xây dựng chương trình giám sát báo cáo cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai. Khi cần thiết có thể tổ chức giám sát ngoài kế hoạch.
Giám sát được thực hiện bằng nhiều hình thức như giám sát thông qua nghiên cứu văn bản, tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt trận Tổ quốc có thể thành lập đoàn giám sát; chủ trì hoặc phối hợp cùng với các cơ quan, tổ chức, nhân dân thành lập đoàn giám sát.
Thông qua giám sát, nếu phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm thì xử lý thế nào, thưa ông?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý những sai phạm, vi phạm phát hiện được và tiếp tục giám sát xem những kiến nghị này có được xử lý hay không, xử lý thế nào và công bố công khai cho người dân được biết.
Theo Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì Mặt trận Tổ quốc có chức năng giám sát cả hoạt động đầu tư công và quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là 2 lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn, liệu Mặt trận Tổ quốc có đảm đương được nhiệm vụ này?
Nếu chỉ một mình Mặt trận Tổ quốc đứng ra thực hiện chức năng giám sát, thì không có đủ nhân lực để thực hiện. Nhưng khác với cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng; Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành khác, Mặt trận Tổ quốc thực hiện giám sát qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, từ việc phát hiện, ý kiến của người dân.
Ngoài việc chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan khác nhau, Mặt trận Tổ quốc còn thực hiện giám sát độc lập có sự tham gia của nhân dân, chuyên gia và những người am hiểu, có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau, nên chắc chắn Mặt trận Tổ quốc sẽ thực hiện được.
Với hoạt động đầu tư công và quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công, Mặt trận Tổ quốc sẽ giám sát những gì?
Đối với ngân sách nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ thực hiện giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện dự toán hàng năm và việc công khai ngân sách, kể cả việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Còn với hoạt động đầu tư công, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện chương trình, dự án…
Mạnh Bôn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: