Đua nhau mua cổ phiếu
Ngày 28/9, CTCP Kinh Đô (KDC - HOSE) phát đi thông tin dự chi tối đa 1.200 tỷ đồng để mua 40 triệu cổ phiếu KDC (tương đương 17,01% cổ phiếu niêm yết) làm cổ phiếu quỹ. KDC dự kiến mua cổ phiếu quỹ trực tiếp trên sàn giao dịch từ ngày 12/10 đến 12/11.
Thông tin trên được đưa ra ngay sau khi ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT của Kinh Đô vừa bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để mua 9 triệu cổ phiếu KDC. Giao dịch của ông Nguyên diễn ra trong khoảng thời gian thị giá cổ phiếu KDC giảm từ 26.500 đồng xuống còn 23.800 đồng (21/8 đến 18/9).






Tập đoàn Hoa Sen nổi tiếng với sản phẩm Tôn Hoa Sen, vừa bán 4,48 triệu cổ phiếu quỹ



Kể từ sau khi chốt quyền nhận cổ tức với tỷ lệ khủng 200%/cổ phiếu ngày 11/8, giá cổ phiếu KDC đã được điều chỉnh xuống còn 28.200 đồng/cổ phiếu và liên tiếp lao dốc xuống quanh ngưỡng 24.000 đồng/cổ phần.
Giống như ông Nguyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ và các tổ chức liên quan do ông Vũ làm Chủ tịch kiêm Giám đốc là Công ty TNHH MTV Tam Hỷ và Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen cũng vừa mua vào tổng cộng 188.650 cổ phiếu HSG. Theo kế hoạch ban đầu, HSG đăng ký bán ra 4,48 triệu cổ phiếu quỹ và ông Vũ cùng 2 công ty riêng của ông Vũ đã ngay lập tức đăng ký mua 1,6 triệu cổ phiếu HSG là lượng cổ phiếu quỹ mà Tập đoàn Hoa Sen đăng ký bán ra. Cụ thể, ông Vũ và Công ty TNHH MTV Tam Hỷ cùng đăng ký mua 50.000 cổ phiếu, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu.
Ngày 25/9, ông Vũ và Tam Hỷ thông báo đã hoàn tất việc mua vào số cổ phiếu đã đăng ký, nhưng Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen chỉ mua vào 88.650 cổ phiếu, nguyên nhân là do giá không như kỳ vọng.
Đáng chú ý, việc bán ra số cổ phiếu quỹ này trước đó đã được HSG xin ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho phép bán cổ phiếu quỹ ngoài biên độ giao dịch. Phương án được HSG đưa ra là: Nếu giá giao dịch bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp kể từ khi được UBCKNN chấp thuận là dưới 36.000 đồng/cổ phiếu thì giá cổ phiếu quỹ bán cho nhà đầu tư là 36.000 đồng. Nếu giá bình quân nằm trong khoảng 36.000 - 44.000 đồng thì giá cổ phiếu quỹ bán cho nhà đầu tư là giá giao dịch bình quân. Nếu giá giao dịch bình quân lớn hơn 44.000 đồng/cổ phiếu thì giá cổ phiếu quỹ bán cho các nhà đầu tư là 44.000 đồng.
Tăng quyền tại doanh nghiệp hay còn nguyên nhân khác?
Với trường hợp của HSG có thể thấy, tại thời điểm 30/6/2015, tiền mặt của công ty này là 246,78 tỷ đồng. Nếu kế hoạch bán cổ phiếu quỹ trên thành công theo mức giá thấp nhất là 36.000 đồng/cổ phần, HSG sẽ có thêm 161 tỷ đồng. Thay vì phát hành cổ phiếu huy động vốn giống xu hướng chung của các doanh nghiệp niêm yết khác trong năm nay, HSG lại chọn phương án bán ra cổ phiếu quỹ. Việc này giúp HSG có thêm vốn nhưng không làm pha loãng cổ phiếu và làm giảm “quyền lực” của ông Vũ tại HSG.
Mặc dù không mua đủ số cổ phiếu đăng ký và tạo ra sóng tăng khi thông tin Chủ tịch HSG và các tổ chức liên quan đăng ký mua cổ phiếu, nhưng động thái này cũng giúp HSG bán được 1,5 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện tại của HSG là Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited, nâng tỷ lệ sở hữu tại HSG của quỹ này lên gần 3%.
Đối với trường hợp của KDC, với 9 triệu cổ phần mua được, ông Trần Lệ Nguyên đã nâng tổng số cổ phần sở hữu tại KDC lên 25,93 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn điều lệ. Điều đáng nói là giao dịch của ông Nguyên hoàn tất ngay trước khi KDC công bố việc mua cổ phiếu quỹ, giúp ông Nguyên mua được số cổ phiếu trên với mức giá dễ chịu, thấp hơn con số tối đa mà KDC dự định mua vào.
Ngoài ra, các cổ đông có liên quan tới ông Nguyên gồm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KDC Trần Kim Thành, anh ruột ông Nguyên sở hữu 276.000 cổ phiếu (0,117%); ông Trần Vinh Nguyên, anh ruột sở hữu 605.000 cổ phiếu (0,257%); ông Trần Quốc Nguyên, em ruột sở hữu 561.000 cổ phiếu (0,238%) và Công ty TNHH Đầu tư Kido, nơi ông Trần Lệ Nguyên làm phó Chủ tịch HĐTV kiêm Phó tổng giám đốc sở hữu 16,87 triệu cổ phiếu KDC, tương ứng 7,17%.
Nếu việc mua 40 triệu cổ phiếu quỹ của KDC thành công, số cổ phiếu quỹ mà KDC nắm giữ sẽ tăng lên hơn 60 triệu cổ phiếu, tương đương 26% vốn điều lệ của KDC, giúp số lượng cổ phiếu mà gia đình ông Nguyên nắm giữ đảm bảo tỷ lệ chi phối tại KDC.
Mặc dù nguyên nhân của động thái mua vào cổ phiếu quỹ được HĐQT KDC lý giải là nhằm sử dụng vốn một cách linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư KDC, nhưng hai thông tin trên đã hỗ trợ tích cực cho thị giá của KDC, giúp cổ phiếu này lập tức tăng 1.100 đồng (+4,6%) lên 25.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 28/9.
Có thể thấy, ngoài việc đảm bảo quyền tại các doanh nghiệp sở hữu, việc tăng tỷ lệ nắm giữ của các đại gia cũng tạo ra sự hứng khởi cho những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trên đang chờ đợi những đợt sóng tăng mới.
Kỳ Thành

Theo baodautu.vn