Các chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội tuy kinh phí có hạn nhưng đều cố gắng để định hướng vào các hoạt động sao cho nhắm trúng đến từng doanh nghiệp tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet



Theo bà Trần Lan Anh, đại diện một doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm: 'Mặc dù nhận được nhiều lời mời tham gia các hoạt động xúc tiến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay các trung tâm xúc tiến, thế nhưng tôi cũng rất ít tham gia bởi nội dung tản mác và không gần lắm với nhu cầu của doanh nghiệp. Có thể khẳng định rằng, đối với doanh nghiệp chúng tôi, thì các chuyến xúc tiến này không mang lại hiệu quả”.
Với bất cập kể trên, có thể thấy rằng, nguyên nhân mấu chốt của việc hoạt động xúc tiến thương mại chưa đạt hiệu quả là do cung - cầu chưa gặp nhau. Thông tin doanh nghiệp cần thì phía cơ quan quản lý chưa đa dạng, trong khi thông tin doanh nghiệp nhận được thì chưa đươc thiết thực.
“Ví dụ như Trung tâm Hỗ trợ Các Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOTRA), họ làm vô cùng tốt. Từ những năm 1996, KOTRA liên tục có các đoàn sang để làm các chương trình xúc tiến với quy mô rất lớn. Đây là bài toán mà các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào trung tâm xúc tiến, có thể tạo ra môi trường như Kotra để các doanh nghiệp như chúng tôi được gặp gỡ và khai thác thông tin một cách hiệu quả”, bà Lan Anh chia sẻ.
Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại cần nhắm vào nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp, của thời vụ sản phẩm và nhu cầu dài hạn của thị trường để định hướng cho các nhà sản xuất phát triển sản phẩm. Đây cũng là đơn hàng mà cộng đồng doanh nghiệp đang đặt hàng cho các cơ quan xúc tiến thương mại.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp về hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ mà Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội mới đưa ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng cách làm như hiện nay của các trung tâm xúc tiến không đem lại hiệu quả, hình thức và kinh phí còn hạn chế. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là đưa hàng đi triển lãm, đưa người đi khảo sát thị trường, không có sự cải tiến. Mặc dù được hỗ trợ 50% tiền vé máy bay nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà.
Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội cho biết, hiện nay các doanh nghiệp của chúng ta đang kêu quá nhiều. Nếu so với các tỉnh thành khác, họ cũng chỉ mong được hỗ trợ chiếc vé máy bay mà cũng không có. Các chương trình của Hà Nội, tuy kinh phí có hạn nhưng đều cố gắng để định hướng vào các hoạt động sao cho nhắm trúng đến từng doanh nghiệp tại Hà Nội.
Ngoài ra, theo cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xúc tiến thương mại cần phải thay đổi theo hướng có chiến lược dài hơi, chọn đối tượng đúng và trúng, tránh dàn trải tràn lan. Trước kia (cách đây 5-7 năm về trước), khi đó cần mở rộng thị trường với nhiều sản phẩm khác nhau. Còn thời điểm này, khi khách hàng đã biết đến sản phẩm của chúng ta, công tác xúc tiến thương mại cần tập trung vào các thị trường trọng điểm.
Ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch tập đoàn Phú Mỹ đưa ra quan điểm khác: “Chúng ta là doanh nhân là doanh nghiệp, chúng ta phải tự chọn ngành nghề tự tìm đối tác, phải tự làm các việc đó. Trung tâm sẽ trở thành siêu thị để giới thiệu. Nếu chúng ta thấy chuyến tàu này hay thì chúng ta lên, nếu không hay thì chúng ta không lên. Thế nhưng, thực trạng hiện nay theo tôi thấy thì chúng ta đang chê nhiều quá, chuyến tàu nào cũng chê”.
“Chúng ta không nên kỳ vọng quá là trung tâm xúc tiến sẽ kết nối để kết đôi các doanh nghiệp lại với nhau, đấy là việc vô cùng khó. Trung tâm xúc tiến chỉ hỗ trợ chúng ta tư vấn thị trường, hỗ trợ những kênh, lĩnh vực những vùng. Tôi tin nếu chúng ta tham gia vào các chương trình xúc tiến thì sẽ có được và cái chưa được, nhưng cái được sẽ nhiều hơn và nhiều khi nó còn là chuyện may rủi, do khả năng của các doanh nhân. Chúng ta nên có cái nhìn màu hồng, nhìn khách quan vào các chuyến xúc tiến”, ông Lượng lạc quan.
Việc Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) sẽ hình thành từ cuối năm 2015 cùng với các hiệp định thương mại đã và sắp được ký kết đang đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa để nắm bắt lấy thời cơ, cơ hội từ các chuyến xúc tiến thương mại.
Về phía cơ quan nhà nước, các hiệp định đã được ký kết cũng là lúc tất cả các mảng về đầu tư, thương mại đều phải vào cuộc và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Với tư cách là đơn vị hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới với tầm nhìn dài hạn và trọng tâm hơn trong thời gian tới.
Trang Nguyễn

Theo baodautu.vn