Theo đó, Phó Thủ tướng đã đồng ý bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông; Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đồng ý sáp nhập Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Kim Bảng và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Duy Tiên vào Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Hà Nam.
UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo, thực hiện và chịu trách nhiệm việc bán vốn nhà nước tại các công ty cổ phần và sáp nhập các công ty Khai thác công trình thủy lợi nói trên theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông có vốn điều lệ là 4 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước là 2,18 tỷ đồng, chiếm 54,2% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị có vốn điều lệ là 17,2 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước là 7,4 tỷ đồng, chiếm 43,18% vốn điều lệ.
Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, tỉnh Hà Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận cho phép bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại 2 Công ty cổ phần trên.
Đồng thời, hiện nay, tỉnh Hà Nam có 3 Công ty Khai thác công trình Thủy lợi: Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Kim Bảng; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Duy Tiên; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Nam Hà Nam. 3 công ty này có cùng chức năng nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, đặt hàng của địa phương, trên cùng địa bàn, quy mô nhỏ bé, do UBND tỉnh Hà Nam là chủ sở hữu. Vì vậy, UBND tỉnh đã đề nghị sáp nhập Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Kim Bảng và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Duy Tiên vào Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Hà Nam.
Như Chính

Theo baodautu.vn