Chậm hủy chuyến giảm
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm 2015, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện hơn 151.000 chuyến bay. Trong số này, có 23.700 chuyến bay bị chậm (chiếm 15,6%, giảm 3,1 điểm so với cùng kỳ 2014) và 834 chuyến bay bị hủy (chiếm 0,5%, giảm 1,9 điểm so với cùng kỳ 2014).
Tỷ lệ này theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh là “nằm ở tốp đầu của khu vực và mức khá trên thế giới”.






Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam nằm trong tốp đầu khu vực. Ảnh: Đức Thanh




Xét riêng các hãng hàng không, Jetstar Pacific “dẫn đầu” các hãng hàng không trong nước với tỷ lệ chậm chuyến là 20,8%. Ngay sau Jetstar là Vietjet Air với 18,3% chuyến bay bị chậm. Với 14,1% chuyến bay chậm, “anh cả” Vietnam Airlines tiếp tục có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất so với Jetstar Pacific và Vietjet Air.
Cũng liên quan đến tỷ lệ chậm, hủy chuyến, theo Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, “cần ghi nhận nỗ lực của tất cả các đơn vị trong ngành đối với việc giảm tối đa tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không” bởi theo ông Cường, trong giai đoạn này, tại một số thời điểm, vì những lý do bất khả kháng như thời tiết, đóng cửa đường cất hạ cánh để sửa chữa... tỷ lệ chậm, hủy chuyến đã cao hơn bình thường.
Cụ thể, vào tháng 2 – 3/2015, các chuyến bay đến Sân bay Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh liên tục bị chậm hủy do sương mù và tầm nhìn hạn chế. Riêng Sân bay Cát Bi còn phải đóng cửa để sửa chữa đường cất hạ cánh, hay vụ sét đánh khiến một số trang thiết bị tại cảng hàng không này bị hư hại, ảnh hưởng trực tiếp và dây chuyền đến nhiều chuyến bay.
Đặc biệt, hồi giữa tháng 7/2015, Sân bay Tân Sơn Nhất phải đóng cửa đường băng để sửa chữa (từ 16-19/7 đúng cao điểm vận chuyển khách du lịch nội địa) khiến năng lực khai thác giảm từ 35 xuống 30 chuyến. Thêm vào đó, do phải ưu tiên hoạt động khai thác quốc tế nên các hãng hàng không đã phải điều chỉnh lịch bay nội địa, làm tăng tỷ lệ chậm chuyến trong thời điểm này lên tới 24,5%.
Bớt nỗi lo mất cắp hành lý
Cùng với việc giảm số chuyến bay chậm, huỷ thì số vụ việc liên quan đến mất tài sản trong hành lý, hàng hoá tại các cảng hàng không đã giảm rõ rệt trong quý III. Điều đó cũng thể hiện những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc nâng chất lượng dịch vụ hàng không.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm, cả nước có 292 trường hợp khiếu nại mất cắp tài sản trong hành lý ký gửi. Đáng lưu ý, số vụ việc xảy ra trong quý III đã có chiều hướng giảm rõ rệt. Nếu như những tháng đầu năm, số vụ khiếu nại lên tới hơn 50 vụ/tháng, thì tới tháng 7, con số này chỉ 28 vụ, tháng 8 là 15 vụ và tháng 9 còn 9 vụ - một con số thấp kỷ lục.
“Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy định liên quan đến phục vụ hành lý, hàng hoá để sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý chặt chẽ và phân định trách nhiệm cụ thể và rõ ràng của những đơn vị, cá nhân liên quan trong từng công đoạn, công việc là giải pháp quan trọng hàng đầu được triển khai”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.
Thực tế, tại các cảng hàng không lớn trên cả nước như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các biện pháp mạnh đã được áp dụng. Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc và có nhiều biện pháp chống mất cắp hành lý ký gửi tại sân bay, đơn vị này đã đồng thời áp dụng nhiều biện pháp tăng cường giám sát nội bộ.
“Nhiều biện pháp kiểm tra trực quan và soi chiếu an ninh được áp dụng, đảm bảo không để kẻ gian tuồn hành lý móc trộm hoặc tài sản bỏ quên của khách ở trong khu vực cách ly ra bên ngoài”, vị này cho biết. Ngoài ra, trước khi kết thúc giờ làm việc, các nhân viên đều bị bắt buộc phải khai báo và ký tên xác nhận về những tài sản như: iPad, loại điện thoại sử dụng, máy tính xách tay, đồ dùng có giá trị…
Anh Minh

Theo baodautu.vn