Tương tự như vậy, các thương hiệu rất nên dùng câu chuyện như một vũ khí để “quyến rũ” khách hàng. Và nếu bạn tin vào việc có thể “giành giật” được tình yêu của người tiêu dùng bằng cách chiêu đãi họ bữa tiệc của những câu chuyện, bài báo này sẽ mang đến công thức gia giảm tuyệt vời dành cho món ăn của bạn.
Nếu ai đã đọc qua cuốn sách ẩm thực best-seller “The Art Of Simple Food” của Alice Waters, chắc hẳn sẽ ấn tượng mạnh mẽ với cuộc hành trình tái khám phá nền ẩm thực mà triết lý xuyên suốt nhắc nhở chúng ta rằng, các món ăn chúng ta hài lòng nhất thường là những món ăn ít phức tạp nhất. Bất kỳ đầu bếp nào, đến từ nền ẩm thực nào trên thế giới cũng hiểu một điều, rằng món ăn sẽ chỉ ngon khi những gia vị được gia giảm một cách tinh tế, hài hoà và quan trọng nhất là tôn vinh được hương vị của chính mình.






Các món ăn chúng ta hài lòng nhất thường là những món ăn ít phức tạp nhất



Tương tự với nghệ thuật kể chuyện của thương hiệu. Đừng nói những điều to tát, thay vào đó, hãy cố để mang đến họ những điều gần gũi và giản đơn nhất. Những điều giản dị và thiết thực luôn tìm được con đường ngắn nhất để đi tới, ở lại tâm trí người nghe.
Khách hàng của bạn có thể bị dẫn dắt bởi logic, nhưng họ sẽ bị thuyết phục bởi cảm xúc. Việc mang đủ “vui - buồn - giận - thương”, hay sự phối hợp nhịp nhàng của bộ ba quyền lực “lời lẽ - âm nhạc - hình ảnh” vào trong câu chuyện thương hiệu sẽ “đánh thức” mọi giác quan nơi công chúng.
Câu chuyện có thể đến từ bất cứ điều gì quanh ta mỗi ngày. Hãy kể câu chuyện của mình một cách sáng tạo và vì một mục đích cụ thể nào đó. Nhớ rằng, không có những thương hiệu “chán”, chỉ có những người kể chuyện chưa biết kể hay.
Một trong những “bí mật” của các chuyên gia kể chuyện, đó là: biến điều buồn tẻ trở nên thú vị.
Có lẽ chẳng ai trong chúng ta xa lạ với việc chạy bộ hay đi dạo trong công viên vào mỗi sáng cuối tuần, bên những thảm cỏ xanh. Nhưng cách Nike “chinh phục” công chúng bằng việc kể câu chuyện hãng đã góp phần tạo ra những thảm cỏ xanh đó như thế nào thì không có nhãn hiệu thứ hai nào làm được. Và đặt bên cạnh câu chuyện ấy, việc Nike tái chế bao nhiêu triệu đôi giày cũ hay tung ra thị trường bao nhiêu sản phẩm cho mùa thu - đông năm nay sẽ không còn quan trọng nữa.
Trong lịch sử ẩm thực thế giới, có một món ăn cũng đã áp dụng không thể thành công hơn nguyên lý “biến một thứ bình thường trở nên khác thường” của Nike. Không hề xa lạ, đó chính là pizza - một trong những món ăn được ưa chuộng nhất thế giới. Ai cũng thích, nhưng không phải ai cũng biết, chiếc Pizza bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ đồ đá và làm ra từ những nguyên liệu cực kỳ bình thường: bánh mỳ khô và thức ăn… còn thừa.
Trở lại với câu chuyện thương hiệu, hãy nhớ, những “cái mỏ” để bạn kiếm tìm câu chuyện không hề xa lạ hay khó tìm, mà nó là những điều bình thường nhất, giản đơn nhất bạn có thể nghĩ tới. Đó có thể là những dòng lịch sử công ty buồn tẻ nằm trên website, là tầm nhìn hay triết lý được in khổ cực lớn ở phòng truyền thống, là mớ hồ sơ nhân viên hay chỉ đơn giản là việc người sếp tài giỏi của bạn có duy nhất 5 chiếc sơ mi giản dị trong tủ quần áo… Hãy để ý, góp nhặt và đừng quên biến những điều bình thường trở nên khác thường.
Lê Quang Vũ (Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nội dung BlueC)

Theo baodautu.vn