Liên quan vấn đề trên, tại hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện các hiệp hội DN của 6 ngành ưu tiên đã chỉ ra những điểm “hẻo” và “héo” trong các chính sách phát triển của Việt Nam, đồng thời chỉ rõ những nút thắt cần tháo gỡ.
Ở góc độ chính sách, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, DN cần phải được hỗ trợ để phát triển lớn hơn, đặc biệt trong việc xóa bỏ rào cản cũng như phân biệt đối xử. Qua đó, cần có sự tương tác giữa DN Việt Nam và DN Nhật Bản trên tất cả các khía cạnh liên quan đến các yếu tố về sản xuất, vốn, lao động, chuyển giao công nghệ, thị trường tiêu thụ.






Triển lãm “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6 tại Hà Nội” sẽ diễn ra vào tháng 9/2015. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet




Liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Thị Thùy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho hay, về mặt chính sách liên kết DN trong lĩnh vực điện tử, không có chênh lệch gì, nhưng khi thực hiện lại có vấn đề. Đó là sự phân biệt giữa DN FDI và DN trong nước của một số cơ quan quản lý trong việc bàn giao đất, thuế nhập khẩu…
Trong khi đó, sau 2 năm hợp tác, phía Nhật Bản ghi nhận những động thái tích cực của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Toma Masaaki, phụ trách đầu tư, thương mại và công nghiệp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: “Hầu hết các kế hoạch hành động đã hoàn thành, nhưng để triển khai được trên thực tế, còn nhiều vấn đề mà các bộ, ngành và DN Việt Nam cần làm”.
Theo ông Toma Masaaki, giải pháp tốt nhất có thể thực thi lúc này nằm ở 1.400 DN Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực chế tạo, dịch vụ, bán lẻ và nhiều lĩnh vực khác đang tính đến cơ hội mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Với hơn 60% DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, họ vừa sản xuất linh phụ kiện để cung cấp cho các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội tốt cho các DN Việt Nam trong vấn đề liên kết để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
DN Việt Nam muốn trở thành nhà cung cấp các linh phụ kiện cho Nhật Bản cần đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, chất lượng, thời gian giao hàng. Điều này không dễ dàng, nhất là khi DN Nhật Bản vẫn chưa biết được khả năng sản xuất của DN Việt Nam.
Do đó, trong tháng 9 tới, Triển lãm “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6 tại Hà Nội” sẽ tạo một mạng lưới cung - cầu đầy triển vọng cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. 100 gian hàng, với 50 gian cho các nhà sản xuất, lắp ráp của Nhật Bản và 50 gian cho các DN sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam.
Thực tế, việc liên kết với DN Nhật Bản để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được cho là đôi bên cùng có lợi. Nhật Bản tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam, tiết kiệm chi phí sản xuất, trong khi Việt Nam nâng cao trình độ công nghệ… Song trong sự liên kết này, ngoài các cơ quan quản lý của Việt Nam, cần có mối quan hệ chặt chẽ với phía Nhật Bản hơn và toán cẩn trọng để đôi bên cùng có lợi.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Bộ đã chọn một số ngành sản xuất nông nghiệp chủ lực của Việt Nam và cũng là nhu cầu của phía Nhật Bản để thực hiện liên kết, như gạo, cà phê, rau, quả, thủy sản, cao su. Sau 2 năm bắt tay, sự liên kết này đã có tác động tích cực tới sự phát triển một số ngành, tạo động lực cho DN Việt Nam.
DN Việt Nam vẫn kỳ vọng xuất được nhiều gạo sang Nhật Bản, nhưng thực tế, người Nhật không sử dụng gạo giống Việt Nam. Hay như thủy hải sản rất có triển vọng ở thị trường Nhật Bản, nhưng việc phát triển như thế nào để liên kết lâu dài với họ là cả vấn đề, vì người Nhật Bản sử dụng nhiều cá biển, trong khi cá nuôi ở Việt Nam lại chủ yếu cá nước ngọt.
Việc DN trong nước liên kết với DN nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ không phải là câu chuyện mới. Vấn đề là, DN cần tạo ra sự liên kết đúng nghĩa, tức là liên kết cả khối, vùng sản phẩm, trong đó, có DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ và có DN tiêu thụ sản phẩm đó.
Anh Vũ

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: