Hầu hết doanh nghiệp dệt may vi phạm trả lương cho người lao động. Ảnh Nguyễn Thanh



Ông Nguyễn Tiến Tùng - Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH cho biết, chiến dịch thanh tra được thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố trong 4 tháng (tháng 5 đến 9/2015) với 152 doanh nghiệp. Có 3 nội dung gồm tuyên truyền; thanh tra; kiểm tra lại, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Qua thanh tra, các đoàn thanh tra phát hiện 1.786 sai phạm, trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp, lập 19 biên bản vi phạm hành chính để xử lý 19 doanh nghiệp với tổng số tiền 594 triệu đồng.
Nội dung vi phạm nhiều nhất là thời gian làm việc. Cụ thể, 12 tỉnh, thành phố thực hiện chiến dịch có 60 doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định. 36 doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định về nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng có lương. 22 doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ làm việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm có thai từ 7 tháng tuổi trở lên; lao động nữ trong thời gian quy định.
Về tiền lương, hầu hết các doanh nghiệp không trả lương cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian phụ nữ 'đến tháng' cần phải vệ sinh cá nhân. Có 36 doanh nghiệp chưa trả lương những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày...
Đảm bảo an toàn cho người lao động là trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, nhưng lại có tới 43 doanh nghiệp chưa làm việc này; 69 doanh nghiệp trang bị không đầy đủ về số lượng cho người lao động. Về phòng chống cháy nổ, nhiều doanh nghiệp thiết kế đường đi lại nội bộ không đảm bảo chiều rộng theo quy định. Đường đi lại nội bộ còn để những vật cản, chướng ngại vật và cũng không phổ biến cho người lao động các quy định về thoát hiểm cũng như niêm yết ở những nơi dễ thấy.
Có đến gần 70% chủ sử dụng lao không tham gia huấn luyện an toàn lao động hoặc tham gia không đầy đủ; 87 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động hoặc huấn luyện không đầy đủ; 68 doanh nghiệp vi phạm việc người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt không được huấn luyện an toàn hoặc tham gia lao động đầy đủ.
Ngoài ra là những vi phạm về điện; đo kiểm tra môi trường tại nơi làm việc, các biện pháp khắc phục yếu tố nguy hiểm, độc hại; lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động và thực hiện kế hoạch...

Thuỳ Linh (HQ Online)

Theo baodautu.vn