Công ty Dầu thực vật Cái Lân là doanh nghiệp nội hiếm hoi kiện tự vệ với hàng nước ngoài.



Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị mấy chục vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài thì ở chiều ngược lại, Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá.
Đây là thông tin được Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại buổi công bố Kết quả điều tra nghiên cứu: “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để tự bảo vệ trước hàng hoá nước ngoài”.
Tính tới tháng 10/2015, tổng số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài là 70 (trong đó, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 36); tổng số vụ điều tra chống trợ cấp là 7 (số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 4); tổng số vụ điều tra tự vệ là 17 (số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 6).
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại và thiếu thông tin trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ, tự bảo vệ hàng hóa của doanh nghiệp mình.
Thống kê của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại Trung tâm WTO và Hội nhập thực hiện từ cuối năm 2014 với hơn 1.000 doanh nghiệp cho thấy, 60 - 70% doanh nghiệp được hỏi đã biết về công cụ phòng vệ thương mại.
Các doanh nghiệp không chỉ biết về công cụ phòng vệ thương mại với tính chất là một rào cản ở nước ngoài, mà còn biết đến chúng với tính chất công cụ có thể sử dụng ở trong nước để bảo vệ chính mình.
“Tuy nhiên, điểm hạn chế là hiểu biết của các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ “sơ khởi”, nghe nói tới nhưng không có kiến thức sâu hơn về công cụ này”, bà Trang cho hay.
Số lượng các vụ kiện PVTM ở Việt Nam quá ít và có quá nhiều lý do khiến PVTM hầu như là công cụ bị bỏ quên tại Việt Nam.
Luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty Luật TNHH ATIM cho rằng, thông qua các vụ kiện chống bán phá giá thời gian qua, có thể thấy, thái độ hợp tác của các doanh nghiệp nội với tư cách là nguyên đơn hay bị đơn còn rất kém.
Thêm nữa, rào cản tâm lý của không ít doanh nghiệp sợ nước ngoài, tâm lý sợ tốn kém do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế… càng khiến cho doanh nghiệp không dám “với tay” đến công cụ PVTM.
Kết quả điều tra về vấn đề này cho thấy, có tới 86% doanh nghiệp cho rằng, nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính cho việc này (trong đó 52% cho là khá khó khăn, 34% cho rằng việc huy động này rất khó khăn). Chỉ có 2% cho rằng chi phí kiện phòng vệ thương mại sẽ không là vấn đề gì lớn, 12% cho rằng dù có thể khó khăn nhưng sẽ là không quá lớn.
Nhìn vào một số vụ việc PVTM ít ỏi của doanh nghiệp nội có thể thấy rõ điều này, hầu hết doanh nghiệp khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM có quy mô lớn, tài chính mạnh. Điển hình là vụ việc điều tra áp dụng tự vệ đối với sản phẩm kính nổi vào năm 2009 do 2 nguyên đơn là Công ty Kính nổi Viglacera và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (sản phẩm của 2 doanh nghiệp chiếm hơn 90% thị phần).
Hay như vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật, do 4 doanh nghiệp lớn nắm 100% thị phần dầu ăn trong nước là: Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Dầu thực vật Tân Bình, Dầu thực vật Cái Lân và Dầu ăn Holden Hope - Nhà Bè.
Kết quả điều tra nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, công cụ PVTM hiện vẫn đang là công cụ của nhà giàu, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ, vốn là những chủ thể chịu tác động mạnh nhất từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Đánh giá về khả năng khởi kiện của các doanh nghiệp Việt Nam, bà Trang cho rằng, kiện PVTM không phải là “cuộc chơi” của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, nó là “cuộc chơi tập thể”, là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan.
Theo đó, để sử dụng công cụ này, các doanh nghiệp nhất thiết phải tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan.
Thế Hải

Theo baodautu.vn