Trên thực tế, việc bán đấu giá Tranco là một thương vụ rất phức tạp, do đây là doanh nghiệp khá lớn cả về quy mô lẫn công nợ. Là doanh nghiệp lớn trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, Tranco từng khá có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải và đại lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, sau một loạt sai lầm trong quản trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước tại Tranco hiện bị âm 217,7 tỷ đồng và bị xếp vào loại không thể cổ phần hóa được. Đây là lý do tại sao giá khởi điểm bán đấu giá của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 4 tỷ đồng.
Mặc dù còn phải chờ đàm phán chốt giá, nhưng cả bên bán (Bộ Giao thông - Vận tải), bên mua (nhà đầu tư) và tập thể người lao động tại Tranco đều bày tỏ mong muốn sớm dứt điểm thương vụ này nhằm đưa doanh nghiệp sang một trang mới.







Vướng mắc mang tính kỹ thuật liên quan đến phương án bán trực tiếp do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký là không lớn và nằm trong quy chế bán đấu giá, nên sẽ không phải là trở lực quá lớn ngăn cản này.
Đã có người đặt câu hỏi vì sao thương vụ này được cho là khó lại có cơ hội thành công rất cao? Phải chăng, do có phương án bán có tính khả thi cao, có giá khởi điểm phù hợp, có nhà đầu tư quan tâm? Những yếu tố này đúng, nhưng chưa đủ. Chính việc đàm phá thành công với một số tổ chức tài chính trong việc cơ cấu các khoản nợ của doanh nghiệp mới là nhân tố quyết định để nhà đầu tư chấp nhận bỏ 4 tỷ đồng đổi lấy khoản thua lỗ cực lớn nói trên.
Cần phải nói thêm rằng, quá trình bán Tranco - thương vụ bán doanh nghiệp nhà nước đầu tiên trong lĩnh vực giao thông - đang thu hút sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo bước đột phá cho hình thức sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước từng được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng kết quả đem lại còn rất hạn chế.
Trên thực tế, ngay từ năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 103/1999/NĐ-CP, sau đó được thay thế bằng Nghị định 80/2005NĐ-CP, rồi đến Nghị định 109/2008/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với nhiều chính sách khá thông thoáng. Điều này cho thấy, Chính phủ rất sốt sắng trong việc xử lý những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động kém và thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, trong số 384 doanh nghiệp được sắp xếp thì việc giao, cho thuê chỉ khoảng 100 đơn vị, còn lại tiến hành bằng biện pháp cổ phần hóa. Số lượng doanh nghiệp bán thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, cho thấy, việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thông qua giao, bán chưa thể nói là bế tắc, song kết quả đạt được rất thấp.
Chính vì vậy, tín hiệu tích cực từ Tranco cho thấy, nếu có sự hợp tác, phối hợp giữa bên mua và các chủ nợ; sự ủng hộ, chỉ đạo quyết liệt của bộ chủ quản, thì ngay một doanh nghiệp ngập trong thua lỗ vẫn có thể tái cơ cấu được.
Những gợi mở này có thể cung cấp một lối ra mới cho cả Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành liên quan trong việc tái cơ cấu hàng trăm doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả đang chờ làm thủ tục phá sản – hình thức tốn thời gian hơn rất nhiều so với việc bán doanh nghiệp, do phải xử lý tranh chấp và để lại nhiều hệ lụy, mất mát lớn cho cả Nhà nước, người lao động và các chủ nợ.
Đây cũng là một giải pháp rất cần được các bộ chủ quản, chính quyền các địa phương mạnh dạn áp dụng để vừa đa dạng hóa hình thức tái cơ cấu, vừa rút ngắn được tiến độ để góp phần hoàn thành mục tiêu sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vào cuối năm nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Minh

Theo baodautu.vn