Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 1, thuộc Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) vừa đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cho phép được hoàn lại số thuế nhập khẩu đã nộp cho các lô hàng nguyên liệu, vật tư của Công ty TNHH Marubeni - Itochu Việt Nam nhập khẩu để cung cấp cho Công ty Thành Long JSC, phục vụ sản xuất kết cấu thép tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 1.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 1 có quy mô 300 MW x2, với tổng vốn đầu tư 26.584 tỷ đồng (tương đương 1,27 tỷ USD) đã được Bộ trưởng Bộ Công thương có quyết định phê duyệt vào tháng 9/2008. Dự án được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế nhập khẩu.






Thủ tục thuận tiện là động lực để doanh nghiệp dồn sức nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị nhà máy điện.




Ông Dương Đức Thủy, Giám đốc Ban quản lý Dự án cho hay, theo quy định tại khoản 7, Điều 103, Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, Dự án sẽ được miễn thuế với thiết bị máy móc nhập khẩu tạo tài sản cố định, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được; nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng gá lắp, khuôn mẫu phụ kiện đi kèm. Như vậy, nếu nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ hoặc chủ dự án nhập khẩu các loại hàng hoá nêu trên để phục vụ Dự án thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, với các hạng mục kết cấu thép có trọng lượng lớn, việc phải nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí đầu tư. Bởi vậy, để tiết kiệm chi phí cho Dự án, cũng là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cung cấp sản phẩm, tổng thầu EPC là Tập đoàn Marubeni cùng nhà thầu phụ là Công ty TOA (Nhật Bản) đã quyết định mua một số hạng mục kết cấu thép được sản xuất trong nước từ Công ty Thành Long SJC.
Để các sản phẩm được chế tạo tại Việt Nam đảm bảo chất lượng của Dự án, nguyên liệu để sản xuất kết cấu thép được Công ty Thành Long SJC mua từ Công ty TNHH Marubeni-Itochu Việt Nam nhập từ Công ty Marubeni-Itochu Steel Inc (Nhật Bản). Vấn đề là các nguyên liệu này được Công ty TNHH Marubeni-Itochu Việt Nam nộp thuế nhập khẩu như hàng nhập khẩu kinh doanh thông thường.
“Vướng mắc hiện nay là nếu nhập khẩu các hàng hóa là sản phẩm hoàn chỉnh để tạo tài sản cố định thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu mua các sản phẩm này của nhà sản xuất trong nước thì giá thành sẽ bị đội lên do nhà sản xuất trong nước phải chịu thuế nhập khẩu với nguyên liệu đầu vào”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, chủ đầu tư đang đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và xử lý miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu dùng để chế tạo kết cấu thép, cung cấp cho Dự án Nhiệt điện Thái Bình, nghĩa là xin hoàn trả số thuế nhập khẩu mà Công ty TNHH Marubeni-Itochu Việt Nam đã nộp, tương ứng số nguyên liệu, vật tư cấu thành trong sản phẩm đã cung cấp cho Dự án.
Cũng tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 1, để tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ chế tạo tại Việt Nam và việc làm cho các doanh nghiệp nội, chủ đầu tư đã tách khỏi gói thầu EPC một số phần việc mà các doanh nghiệp trong nước có thể đảm trách được để chọn nhà thầu thực hiện ngay tại Việt Nam. Đã có 15 gói thầu với tổng trị giá 2.400 tỷ đồng được các nhà thầu trong nước thực hiện.
Hiện tại, đề nghị trên chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng, nhưng theo các doanh nghiệp đã kinh qua thực tế này, thời gian để chứng minh tính đồng bộ hay các kết cấu thiết bị này nằm trong dây chuyền của dự án, nhưng thay vì được nhập khẩu đồng bộ thì đã được chế tạo tại Việt Nam không nhanh được, bởi cơ quan chức năng cần thời gian để kiểm tra, thống nhất trước khi quyết định.
“Tiền cuối cùng vẫn được hoàn lại túi doanh nghiệp, nhưng việc lưu đọng những khoản tiền thuế có trị giá hàng tỷ đồng ở những dự án quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng cũng làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, bởi điểm yếu của doanh nghiệp nội là vốn không dồi dào”, đại diện một doanh nghiệp cơ khí nhận xét và cho biết thêm, khi đã chứng minh được phần gia công cơ khí trong nước nằm trong dây chuyền thiết bị của Dự án, thì thời gian được hoàn thuế, nhận lại tiền chỉ trong vài ngày.
Nhiệt điện Thái Bình 1 không phải là dự án duy nhất có một số công đoạn thiết bị dây chuyền được nội địa hóa trong nước. Tại Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, phần do doanh nghiệp Việt Nam thực hiện là 7.441 tỷ đồng, chiếm 26% giá trị hợp đồng EPC.
Hiện tại, tổng thầu của Dự án đang đệ trình hồ sơ để các cơ quan hữu trách xem xét và phê duyệt Dossan Vina là nhà thầu phụ, cung cấp thiết bị lò hơi, kết cấu thép lò hơi, đường ống nước làm mát, ống dẫn gió, khói, xilo than, ống cấp than có giá trị khoảng 137 triệu USD. Nếu Dossan Vina được chọn thì tổng giá trị vật tư, thiết bị sử dụng trong nước sẽ lên tới 490 triệu USD, đạt tỷ lệ nội địa hóa 36% trên tổng giá trị hợp đồng EPC.
Năm 2012, Chính phủ đã có Quyết định 1791/2012/QĐ-TTg yêu cầu các nhà thầu EPC tại các dự án nhiệt điện sử dụng tối đa các nhà thầu, nhà sản xuất trong nước cung cấp vật tư thiết bị nhằm gia tăng tỷ lệ chế tạo tại Việt Nam. Bởi vậy, việc thuận lợi hóa các thủ tục, giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chế tạo các công đoạn của dây chuyền thiết bị nhà máy nhiệt điện theo chủ trương của Quyết định 1791 không bị đội chi phí và mất thời gian khi hoàn thuế cũng là động lực để doanh nghiệp dồn tâm sức cho sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị làm tại Việt Nam.
Hoàng Nam

Theo baodautu.vn