Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên trái) tiếp ông Jeffrey R. Immelt, Chủ tịch Tập đoàn GE trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Ảnh: G.E



Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông nhấn mạnh, GE sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam, đất nước có vai trò quan trọng với hoạt động của GE tại châu Á, sau hơn hai thập kỷ hoạt động tại đây, và trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết.
Lần đầu tiên ông đến Việt Nam vào năm 2007 là khi GE xây dựng nhà máy chế tạo đầu tiên trị giá 110 triệu USD tại TP. Hải Phòng. Lần thứ hai vào năm 2012, ông đến Việt Nam để chứng kiến việc ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa GE và các cơ quan chức năng của Việt Nam. Lần này, lần thứ ba thì sao, thưa ông? Hẳn phải có sự kiện đặc biệt gì đó của GE tại Việt Nam?
Những sự kiện, hoạt động của GE, dù diễn ra ở đâu, luôn là mối quan tâm hàng đầu của tôi.
Như hiện tại, về kế hoạch kinh doanh, GE đang trong giai đoạn cuối cùng để kết thúc cho thương vụ M&A Tập đoàn Alstom của Pháp. Chính vì vậy, GE đang quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực năng lượng. Vì sản phẩm, dịch vụ mà GE có thể cung cấp rất rộng, gồm công nghệ cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đốt than, khí, gió và mạng lưới truyền tải điện… cho ngành năng lượng tại Việt Nam, nên tôi muốn gặp mặt đội ngũ GE tại Việt Nam, cũng như các đối tác để nhận diện rõ các cơ hội phát triển mới tại đây và cũng tìm cách thức giải quyết tốt hơn các vấn đề trong lĩnh vực này của Việt Nam.
Đó là mục tiêu đầu tiên của chuyến đi này. Nhưng lần này đến Việt Nam, tôi mong muốn tận mắt chứng kiến sự phát triển của Việt Nam, những thay đổi thực sự trước cơ hội sẽ được mang lại từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số cam kết quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.
Tôi cũng muốn quan sát những thay đổi mà Việt Nam đã đạt được so với lần trước tôi đến đây. Tôi tin chắc rằng, tôi sẽ có thêm nhiều thông tin sống động về Việt Nam.






Ông Jeffrey R. Immelt, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của General Electric (GE)



TPP đã chính thức kết thúc đàm phán. Mặc dù vẫn cần thêm thời gian để các bên hoàn tất thủ tục, nhưng rõ ràng không gian phát triển mới đang hình thành. Ông có nghĩ rằng, GE sẽ lại dẫn đầu làn sóng đầu tư mới của Mỹ tại Việt Nam, như đã từng là một trong những doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam từ năm 1994, trước khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước?
GE là công ty toàn cầu, do đó chúng tôi không nhất thiết cần một hiệp định thương mại mới tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Đây là lý do chúng tôi đã tới đây đầu tư và xây nhà máy từ rất sớm.
Nhưng tôi tin vào các mặt tích cực của các hiệp định thương mại như TPP. Chúng sẽ tác động tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ, thúc đẩy họ tìm đến Việt Nam dù trước kia chưa có kế hoạch này. Trong nhiều trường hợp, khi đã chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư, thì cũng có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ có thể mở rộng tầm hoạt động ra thị trường các nước trong TPP.
Hơn thế, dù các hiệp định thương mại không có nhiều ảnh hưởng tới các công ty lớn, song với cả không gian phát triển mới mà nó mở ra, sẽ có các cách thức đầu tư mới xuất hiện. Tôi luôn tin rằng, đây là yếu tố quan trọng có tác động tới tất cả các bên. Thật sự thú vị khi Việt Nam có mặt trong đó.
Trên bình diện khu vực ASEAN, GE đã có mặt ở cả 10 quốc gia. Vậy, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, GE có thay đổi gì trong chiến lược phát triển khu vực không, thưa ông?
Tôi nhận thấy rằng, các thành viên của ASEAN đang bắt đầu vượt qua Trung Quốc về tốc độ phát triển. Đó đều là những địa chỉ đầu tư tốt cho GE, và trên thực tế, chúng tôi đã hiện diện tại tất cả nước này.
Riêng với Việt Nam, với dân số hơn 90 triệu người, hệ thống giáo dục phát triển, cơ hội phát triển trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo không chỉ tại thị trường nội địa, mà cho cả thị trường toàn khu vực là rất rõ. Trong chiến lược phát triển ra toàn cầu của GE trong vòng 5-10 năm tới, đây chính là thế mạnh của Việt Nam.
Ông đã chia sẻ, lĩnh vực năng lượng là mối quan tâm hàng đầu trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam lần này. Vậy có thể hiểu rằng, lĩnh vực này sẽ sớm trở thành tâm điểm trong hoạt động của GE tại Việt Nam?
Tôi muốn chia sẻ cụ thể là ngành điện lực ngày càng trở nên quan trọng hơn, nhưng các ngành khác như dầu khí, hàng không hay y tế cũng sẽ là những lĩnh vực ưu tiên của GE tại Việt Nam. Vì ưu thế của GE chính là có tầm hoạt động rộng lớn và GE có thể phát triển năng lực trên rất nhiều lĩnh vực kinh tế đa đạng tại đây.
Tôi có nhắc tới ngành điện lực là vì chúng tôi đang trong quá trình hoàn thành thương vụ M&A quan trọng với Alstom, tập đoàn này cũng có sự hiện diện tại Việt Nam. Tôi rất quan tâm tới các cơ hội hợp tác chiến lược với các khách hàng của GE như là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tôi muốn lưu ý là hoạt đông của GE thực sự rất rộng và GE mong muốn đóng góp vào các lĩnh vực thiết yếu như điện khí hóa, y tế và hàng không tại Việt Nam.
Tôi tin rằng, GE còn có thể phát triển một vài lĩnh vực mới tại Việt Nam.
GE vừa đưa ra khái niệm GE Store. Đó là cái gì và có phải là điều GE sẽ đem đến Việt Nam?
GE Store là một cách để diễn tả giá trị của đa ngành. Với tính đa ngành của mình, GE có thể mang lại cho khách hàng nhiều giá trị hơn chỉ một ngành kinh doanh đơn lẻ. Lợi thế của việc này là chúng tôi có thể đưa một ý tưởng hay một sáng kiến công nghệ từ lĩnh vực này ứng dụng sang lĩnh vực khác. Chúng tôi gọi đó là GE Store, nơi chúng tôi đóng góp nhiều hơn chỉ là một ý tưởng hay một ngành kinh doanh đơn lẻ cho một đất nước. Đó chính là giá trị nên được nhìn nhận.
GE là một công ty có tầm hoạt động rộng, độ phủ lớn nên khái niệm GE Store có thể phát triển bất cứ ở đâu, bao gồm cả Việt Nam. Trung tâm Kỹ thuật GE tại TP.HCM và nhà máy tại Hải Phòng chính là những minh chứng về lợi thế này.
Trong lĩnh vực năng lượng, điện gió là một mảng kinh doanh trọng yếu của GE tại Việt Nam. Có thể nói vậy khi Công ty đã hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu và khu vực Tây Nguyên. GE có dự định tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này hay không, thưa ông?
Đó là điều chúng tôi mong muốn. Trên thế giới, điện gió ngày càng được nhìn nhận về hiệu quả kinh tế. Việt Nam có những điều kiện tốt để phát triển lĩnh vực này. Thậm chí, không có lý do gì để Việt Nam không có những được dự án điện gió lớn. Nhưng đó là về mặt kỹ thuật.
Trong một dự án điện gió, kỹ thuật chiếm 50%, 50% còn lại là tài chính. Như vậy, vấn đề trong phát triển điện gió của Việt Nam là khả năng thu hút các nguồn đầu tư cho các dự án này, tỷ lệ vốn có thể vay được cũng như phần vốn nhận được bảo lãnh…
Như vậy, có thể nói, thị trường tài chính cho các dự án điện gió hiện còn nhiều tiềm năng, GE mong muốn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này.
Thông qua chiến lược ‘company-to-country’ (từ doanh nghiệp tới quốc gia), GE đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam hơn 20 năm qua. Ông có hài lòng với những đóng góp của GE Việt Nam tới sự phát triển của GE?
Chúng tôi không dễ thỏa mãn với thành quả của mình. Khi tới Việt Nam, tôi cũng có một vài suy nghĩ riêng, nhưng tôi cũng rất quan tâm tới ý kiến của nhân viên làm việc tại đây để xác định Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với GE.
Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đang ở thời điểm quan trọng có thể làm nhiều điều ý nghĩa hơn nữa trong công việc kinh doanh khi chúng tôi (cả GE và Alstom sau khi sáp nhập) có hàng nghìn nhân viên. Họ là những nhân viên trẻ, năng động, có nhiều sáng kiến. Chúng tôi cũng có nhiều khách hàng, những người mong muốn chúng tôi làm được nhiều hơn nữa. Và, trên hết chúng tôi đang nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển.
Việt Nam có dân số trẻ, có nhiều cơ hội phát triển. GE là công ty có lịch sử phát triển trải dài 140 năm. Chúng tôi cần sức trẻ để có thêm sinh lực, mạnh mẽ tiến về phía trước.
Có thể nói, chúng tôi hiện có một nền tảng vững chắc giúp phát triển. Việc củng cố, phát triển nhân sự ở các nước sở tại sẽ giúp chúng tôi biết mình cần phải làm gì trong thời gian tới.
Tôi hiện ở Mỹ, do đó rất khó để tôi có thể quyết định những việc nên làm tại Việt Nam, song đội ngũ nhân viên tại đây sẽ giúp chúng tôi nhận diện các cơ hội phát triển mới. Chúng tôi cần đội ngũ cộng sự nhiệt huyết tại Việt Nam, hiểu rõ về công ty, những việc chúng tôi làm, biết lắng nghe khách hàng những người quyết định sự thành công của công ty, và có những hoài bão riêng về những gì chúng tôi có thể làm và nên làm. Nếu làm được như vậy, thành công đến chỉ còn là vấn đề thời gian.
Lúc này, đó là tất cả những gì tôi có thể nói, song có điều chắc chắn GE sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Hoàng Mai

Theo baodautu.vn