Sân bay Nội Bài là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV.



Giá khởi điểm tăng 700 đồng
Thay đổi đầu tiên liên quan tới phương án cổ phần hóa ACV - doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư quốc tế săn đón là giá khởi điểm đấu giá công khai cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). “Giá khởi điểm cho đợt IPO tới đây sẽ là 11.800 đồng/cổ phần, cao hơn 700 đồng/cổ phần so với phương án trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2015”, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV cho biết.
Như vậy, trong trường hợp giá khởi điểm mới được phê duyệt, ACV có thể thu thêm ít nhất 544,6 tỷ đồng nếu IPO thành công 77,8 triệu cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ).
Được biết, kiến nghị này vừa được lãnh đạo ACV gửi tới Bộ chủ quản vào đầu tuần này, cùng với 1 tờ trình gồm 9 trang xin phê duyệt các nội dung cập nhật, sửa đổi phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 6/10/2015.
Lý do dẫn đến thay đổi trên là thời điểm lập báo cáo tư vấn giá khởi điểm lần đầu là tháng 4/2015. Theo đó, dòng tiền sử dụng trong mô hình định giá cổ phiếu dựa vào chiết khấu dòng tiền tự do toàn doanh nghiệp (FCFF) được xây dựng cho giai đoạn 5 năm 2015 - 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, do đã sắp kết thúc năm 2015, để đảm bảo kế hoạch kinh doanh vừa được ACV cập nhật, dòng tiền sử dụng trong mô hình FCFF sẽ căn cứ trên kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Cần phải nói thêm rằng, theo cách tính cũ, tổng doanh thu của ACV năm 2019 ước đạt 10.527 tỷ đồng, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.164 tỷ đồng.
Trước đó, ACV cũng đã cập nhật kết quả kinh doanh sau 5 năm cổ phần hóa theo hướng cả doanh thu lẫn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đều có sự biến động đáng kể. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ACV năm 2020 sau điều chỉnh đạt khoảng 2.404 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu là 10.546 tỷ đồng, lần lượt giảm 139 tỷ đồng và 391 tỷ đồng so với trước điều chỉnh.
Đây là kịch bản được ACV dự trù trên cơ sở một số lĩnh vực, dịch vụ tại một số cảng hàng không trong tương lai sẽ được tách độc lập khỏi hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, trong đó có việc Nhà ga quốc tế mới Đà Nẵng do Công ty cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng đầu tư đi vào hoạt động từ quý IV/2017.
Chọn nhà đầu tư chiến lược sau IPO
Liên quan đến lộ trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, ACV đề nghị chỉnh sửa phương án đã được Thủ tướng phê duyệt theo hướng sẽ tiến hành công tác quan trọng này sau đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng. Cần phải nói thêm rằng, trong khi chờ Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt để làm cơ sở lập bản công bố thông tin để tổ chức IPO, hàng loạt nhà đầu tư lớn đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với ACV.
Đúng 48 giờ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV, Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp) rất nhanh chóng gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng xác nhận quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này. Không chỉ muốn trở thành đối tác chiến lược, Aeroport de Paris cũng cam kết sát cánh hỗ trợ ACV tiến hành cổ phần hóa thành công.
Là tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp hàng không, Aeroport de Paris đang trực tiếp vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới thông qua công ty con là Công ty Quản lý Airports de Paris (ADPM), trong đó có những cảng hàng không lớn nhất châu Âu như: Paris - Charles de Gaulle và Paris - Orly. Năm 2014, các cảng hàng không tại châu Âu, châu Á, Nam Mỹ do ADPM vận hành đã phục vụ hơn 220 triệu hành khách, đạt doanh thu 3 tỷ EUR.
Ngoài Aeroport de Paris, kế hoạch cổ phần hóa ACV đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, 3 công ty con. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn góp vốn tại 10 công ty cổ phần - tất cả đều có chung lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất.
Trên thực tế, ACV cũng là một trong những doanh nghiệp liên tục làm ăn có lãi trong ngành giao thông – vận tải, với “hai con gà đẻ trứng vàng” là Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của ACV đạt 8.586 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV công bố mức lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng ước đạt hơn 400 tỷ đồng.
“Đây là điểm tựa khá vững để đợt IPO ACV dự kiến diễn ra sau khoảng 3 tháng nữa thu được thành công, dù giá khởi điểm được nâng lên thêm 0,7%”, một chuyên gia nhận định.
Anh Minh

Theo baodautu.vn