Telemor (công ty con của Viettel tại Đông Timor đạt tốc độ tăng trưởng tới 280% năm 2014



Năm 2013, khi Chính phủ Myanmar công bố kết quả đấu thầu giấy phép kinh doanh viễn thông tại quốc gia này, không ít chuyên gia tỏ ra bất ngờ. Thương hiệu viễn thông đến từ Việt Nam – Viettel bị loại và thắng thầu là các hãng Telenor (Nauy), Ooredoo (Qatar).
Trước đó, Viettel từng có nhiều dự án viễn thông rất thành công tại nước ngoài như Lào, Campuchia, Mozambique… và giành thắng lợi ở cả nơi cực kỳ khó khăn như Haiti (lúc đó mới xảy ra động đất). Nhiều chuyên gia tin rằng, Viettel sẽ là ứng cử viên nặng ký cho chiếc vé vào thị trường viễn thông được coi là “cô gái còn trinh nguyên” hiếm hoi còn lại trên thế giới. Lúc đó, tỷ lệ sử dụng di động tại Myanmar chưa đến 9%, trong khi dân số lên tới 60 triệu người.
Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết: “Viettel đã cố gắng hết sức, cả về giá bỏ thầu, chuẩn bị tài liệu, cũng như các cam kết hấp dẫn đối với Chính phủ Myanmar. Nhưng đơn vị trúng thầu đã bỏ giá rất cao, nên Viettel nếu có bỏ thêm 100 hay 200 triệu USD cũng không đạt hiệu quả”.
Telenor và Ooredoo đều không công bố giá trị gói thầu, nhưng theo Reuters, giá đấu thầu có thể hơn 3 tỷ USD. Đây là con số không tưởng với Viettel.
Thua thầu tại thị trường viễn thông được coi là béo bở nhất còn sót lại, Viettel đã hăng hái tiến vào Đông Timor, Mozambique… Trong đó, Đông Timor là một quốc đảo rất nhỏ bé, dân số chỉ 1,2 triệu người, chi phí đầu tư sẽ rất cao, chưa kể địa hình hiểm trở về đồi núi. Còn Mozambique là một quốc gia châu Phi xa xôi, xa lạ về văn hoá, địa lý, tập quán kinh doanh…
Tại sao Viettel lại có sự lựa chọn “ngược đời” như vậy?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel giải thích: “Những thị trường tưởng là dễ thực ra lại khó. Vì ai cũng nghĩ dễ, nên nhiều người đổ xô đến và nơi đó trở thành cực khó. Myanmar là một nơi như vậy. Trong khi đó, những nước ai cũng nghĩ rất khó thì thực tế không đến nỗi như vậy, bởi ít người tới. Do vậy, cứ nơi mà mọi người thấy cực khó thì Viettel đến”.
Bình luận về việc thích chọn thị trường “khó” của Viettel, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Nông lâm TP.HCM) chia sẻ: “Các quốc gia mà Viettel đầu tư, cung cấp dịch vụ viễn thông còn nghèo, trình độ phát triển thấp, nên cơ hội để chen chân còn lớn. Đây là hướng đầu tư phù hợp vì Viettel có đủ năng lực để cạnh tranh. Còn nếu chọn các nước phát triển thì e không thể cạnh tranh nổi”.
Tại Đông Timor, trái với những lo ngại về chi phí cao, xây dựng hạ tầng khó khăn tại một quốc đảo có địa hình đồi núi hiểm trở, Viettel chỉ mất 6 tháng kể từ khi khai trương để kinh doanh có lãi - một kỷ lục của làng viễn thông thế giới. Năm đầu tiên Telemor (tên công ty con của Viettel tại Đông Timor) đoạt Giải “Khởi nghiệp ấn tượng” của Steve Awards vì thành tích xuất sắc ngay trong năm đầu tiên kinh doanh. Và mới nhất, mạng di động này đoạt thêm Giải Vàng hạng mục “Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2015 khu vực châu Á, châu Úc và New Zealand” năm 2015 cũng của Tổ chức Steve Awards (Mỹ). Hiện tại, Telemor chiếm tới 47% thị phần di động tại Đông Timor, đạt tốc độ tăng trưởng tới 280% trong năm 2014.
Với Mozambique, bất chấp những lo ngại về một thị trường quá xa xôi, không quen thuộc về văn hoá, địa lý…,
Viettel đã có một dự án thành công hiếm có. Chỉ trong vòng 2 năm khai trương dịch vụ, Movitel (tên thương hiệu viễn thông của Viettel tại Mozambique) đã đứng số 1 cả về thuê bao lẫn hạ tầng. Đến năm 2015, Movitel đã đoạt tới 6 giải thưởng của thế giới về viễn thông và được đặt biệt danh “Điều kỳ diệu châu Phi”. Thị phần của Movitel tại đây đạt khoảng 40%.
Chia sẻ về việc giải quyết những vấn đề khó khi đầu tư ra nước ngoài và tạo ra những kết quả vượt trội, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Thường thì việc khó chỉ làm cho chúng tôi thông minh hơn trong cách giải quyết vấn đề, chứ không khiến Viettel nguy hiểm. Chỉ tìm việc dễ để làm mới dẫn tới nguy cơ. Đây là nguyên tắc xuyên suốt của Viettel trong quá trình hoạt động, chứ không riêng khi đầu tư ra nước ngoài”.
Tú Ân

Theo baodautu.vn