Thuốc ngoại tiếp tục áp đảo
Hiện tại, dược phẩm nhập khẩu đang chiếm tới 60%, lượng ngoại tệ chi nhập khẩu mặt hàng dược trong 9 tháng đầu năm 2015 lên tới trên 1,65 tỷ USD.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2015 - 2016 sẽ khoảng 16%/năm. Khi TPP có hiệu lực, tăng trưởng thuốc chữa bệnh có thể lên đến hơn 20%/năm, từ nay đến năm 2018, chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 200 USD/năm.






Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2015 - 2016 được dự báo vào khoảng 16%/năm



Giống như một số hiệp định thương mại khác, TPP chắc chắn sẽ làm tăng doanh số nhập khẩu thuốc của Việt Nam do thị trường mở cửa, thuế giảm và các doanh nghiệp trong và ngoài nước cạnh tranh bình đẳng.
Cụ thể, dược phẩm sẽ giảm thuế từ mức hiện tại khoảng 2,5% về 0%. Điều này sẽ làm tăng xu hướng cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó sự cạnh tranh sẽ thiên hơn về các doanh nghiệp sản xuất thuốc gốc so với thuốc generic (thuốc sản xuất theo thuốc gốc sau khi hết thời hạn bảo hộ độc quyền).
Bên cạnh đó, TPP kéo dài thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của doanh nghiệp nội.
Đây là một thách thức lớn với các doanh nghiệp ngành dược, bởi sản phẩm của các công ty trong nước đa phần là các loại thuốc phiên bản generic.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội cho rằng, theo các cam kết trong TPP, Việt Nam phải mở cửa thị trường dược phẩm, như vậy, thuốc ngoại sẽ ngày càng áp đảo hơn ở Việt Nam.
“Đơn cử, việc đấu thầu thuốc khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ công khai, các hãng dược trên thế giới được quyền tham gia bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước”, ông Bình nêu một thực tế và tỏ ra lo ngại, các doanh nghiệp dược Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại không có sự gắn kết, vì thế, nếu không tạo ra năng lực cạnh tranh cho mình thì nguy cơ bị mất đi thị phần sẽ rất cao.
Còn đủ thời gian cho doanh nghiệp nội
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho biết, cạnh tranh sẽ đến với tất cả các ngành khi Việt Nam hội nhập, không chỉ riêng ngành dược. Tuy nhiên, Thứ trưởng Khánh cũng nhấn manh, với tiến độ phê chuẩn TPP, dự kiến đầu hoặc giữa năm 2018, TPP mới có hiệu lực, do vậy, ngành dược còn đủ thời gian để đầu tư phát triển, thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Pymepharco chia sẻ, bản thân ngành dược và các doanh nghiệp phải tự thay đổi để thích ứng với môi trường cạnh tranh mới.
Với Pymepharco, từ 16 sản phẩm đầu tiên, hiện Công ty đã cung ứng cho thị trường hơn 350 sản phẩm, trong đó có những mặt hàng chất lượng vượt trội, có thể thay thế các sản phẩm ngoại nhập. Mới đây, Công ty đã đưa nhà máy sản xuất kháng sinh đạt chuẩn châu Âu vào hoạt động, đồng thời đang xét nâng cấp thuốc chích đạt chuẩn GMP-EU.
Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực như Hong Kong, Malaysia, Philippines… và bước đầu vào thị trường châu Âu từ năm 2014.
Theo ông Nam, mặc dù thuốc nội sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể lạc quan rằng, với TPP, các doanh nghiệp dược trong nước sẽ được liên kết đầu tư nhiều hơn với doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các nước không tham gia TPP như Trung Quốc cũng sẽ liên kết với Việt Nam trong các vấn đề về nhập nguyên liệu và đầu tư gia công...
Thế Hải

Theo baodautu.vn