Đến ngày 15/10 mới cổ phần hoá được 258 DN trong kế hoạch cổ phần hoá 432 DN giai đoạn 2014 - 2015



Dự kiến có 89 DN chậm cổ phần hoá
Đầu năm 2014, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014 - 2015, sự kiện mở đầu cho nỗ lực làm “nóng” trở lại quá trình cổ phần hóa (cổ phần hoá) sau nhiều năm trầm lắng với kế hoạch của Chính phủ là hoàn thành cổ phần hoá 432 DN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ: “Kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo DN chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hoá DNNN…”.
Hiện tại, quỹ thời gian để hoàn thành cổ phần hoá 432 DN sắp hết, nhưng đến ngày 15/10/2015 mới cổ phần hoá được 258 DN. Như vậy, chưa đầy 2 tháng nữa, cần phải cổ phần hoá hơn 170 DN (trung bình cổ phần hoá 3 DN/ngày), thì mới hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá mà Chính phủ đề ra.
Sự chậm trễ trong triển khai cổ phần hoá đã được kiểm điểm tại các phiên họp Chính phủ định kỳ hàng tháng, cũng như cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Nguyên nhân của sự chậm trễ cũng đã được chỉ rõ. Ngoài yếu tố khách quan là tình hình TTCK không thuận lợi, thì theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, còn có nguyên nhân là việc ban hành cơ chế về đổi mới tổ chức quản lý, tái cơ cấu DNNN chưa đạt tiến độ đề ra…
Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ chế để tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời, đích thân lãnh đạo Ban trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc DN, các địa phương đẩy nhanh cổ phần hoá. Gần đây, khi chủ trì buổi làm việc với một số địa phương phía Nam như: TP. HCM, Bình Dương… về thực hiện tái cơ cấu DNNN, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã đề nghị các địa phương, DN không để tình trạng cổ phần hoá chậm trễ, kéo dài, phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện cổ phần hoá DNNN một cách triệt để.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong số 6 DNNN phải cổ phần hoá trong năm nay, hiện có 5 DN chưa hoàn thành cổ phần hoá, trong đó có 2 DN lớn là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp, Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Dương dự kiến hoàn thành cổ phần hoá 2 DN, 3 DN còn lại, tỉnh dự kiến xin chuyển kế hoạch thực hiện sang năm 2016.
Tương tự, ở TP. HCM, đến tháng 10/2015 còn 16 DN trong tổng số 21 DNNN nằm trong kế hoạch cổ phần hoá năm 2015 vẫn chưa hoàn thành cổ phần hoá. Hết năm 2015, TP. HCM dự kiến phê duyệt phương án cổ phần hoá 13 DN, số DN còn lại sẽ xin lùi thời điểm thực hiện.
Việc triển khai cổ phần hoá Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện đang gặp thách thức, khi phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lộ trình cổ phần hoá trong quý IV này, nhưng còn 3 công ty thành viên nằm trong kế hoạch cổ phần hoá năm nay chưa chốt được giá trị DN; 18 DN sẽ phải dời việc triển khai kế hoạch thoái vốn sang năm 2016, với tổng giá trị hơn 893 tỷ đồng.
Một lần nữa, sự chậm trễ trong tiến hành cổ phần hoá đến nay chưa được khắc phục. Khi trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: tái cơ cấu DNNN chưa đạt mục tiêu đề ra. Dự kiến, năm 2015, cổ phần hoá được 200/289 DN. Có nghĩa là, 89 DN sẽ không cán đích kế hoạch cổ phần hoá giai đoạn 2014 - 2015.
Chưa “sếp” DNNN nào phải chịu trách nhiệm
Từ thực trạng cổ phần hoá chậm, câu hỏi đặt ra là, có hay không nguyên nhân từ việc các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty đã không thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN khi không hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá?
Vấn đề trên cũng đang “làm nóng” nghị trường, với nhiều câu hỏi được các đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, diễn ra trong hai ngày 2 - 3/11.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, theo kế hoạch đặt ra, thì trong năm 2014 - 2015 phải cổ phần hoá 432 DNNN, nhưng đến thời điểm hiện nay, khả năng hoàn thành cổ phần hoá nốt khoảng 100 DN, trong đó có các tập đoàn và tổng công ty khó đạt tiến độ đề ra.
“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp đầu năm với các DN đã chỉ rõ yêu cầu, nếu đơn vị nào không thực hiện được công tác cổ phần hoá, thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta không thấy một thông tin nào về việc ai chịu trách nhiệm khi không hoàn thành cổ phần hoá DNNN”, ông Kiên nêu vấn đề.
Hữu Hoè (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn