Công nhân Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đang dựng cột đưa điện về vùng sâu vùng xa tỉnh Sơn La



Dự án có quy mô xấp xỉ 153 tỷ đồng, trong đó 50% là vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 50% còn lại do Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) đóng góp. Phần đền bù giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Sơn La thực hiện. Hai huyện được thụ hưởng Dự án này là Mai Sơn và Sông Mã, gồm 5 xã, 72 bản. Sẽ có 5.345 công tơ điện tử 1 pha và 37 công tơ điện tử 3 pha được lắp đặt cùng dây sau công tơ, bảng điện và bóng đèn đến tận hộ dân. Nghĩa là, bà con không phải đầu tư thêm bất cứ hạng mục nào sau công tơ nhưng điện vẫn sáng trong nhà mình.
Để Dự án được hoàn tất trong năm 2016, hiện EVN NPC đã phê duyệt Báo báo nghiên cứu khả thi và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Toàn bộ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán cũng đã được tư vấn lập xong, hiện đang được Công ty Điện lực Sơn La thẩm tra, phê duyệt.
Trước đó, từ tháng 5/2012, EVN NPC đã triển khai Dự án Cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La với tổng mức đầu tư hơn 557 tỷ đồng. Tại dự án này, ngân sách nhà nước cấp 85% và 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN NPC.
Đến tháng 8/2015, Dự án này đã hoàn thành, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân tỉnh Sơn La được sử dụng điện lưới quốc gia từ 76% (năm 2011) lên 86% (tháng 8/2015) với 229.072/266.037 hộ dân được sử dụng điện.
Cụ thể, hệ thống nguồn và lưới điện quốc gia đã được kéo đến 204/204 xã phường, bằng 100% số xã phường và 2.770/3.297 bản, chỉ còn 527 bản chưa có điện, bằng 16% số bản trong toàn tỉnh với 36.965 hộ dân.
So với mục tiêu ban đầu khi thực hiện Dự án Cung cấp điện lưới Quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, với tổng mức đầu tư hơn 557 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015 thì số hộ dân được cấp điện đạt hơn 22.600 hộ trên tổng số 30.150 hộ, bằng 75,2% so với số hộ của dự án được duyệt.
Ông Phạm Văn Long, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sơn La cho biết, một số khó khăn khi thực hiện Dự án có thể kể đến như biến động về đơn giá và Chính phủ đã chỉ đạo không điều chỉnh nguồn vốn cho Dự án, mà chỉ thực hiện khối lượng tương ứng với tổng mức đầu tư đã phê duyệt ban đầu. Trong khi đó, Dự án được triển khai khảo sát lập báo cáo từ năm 2009, tổng mức đầu tư duyệt vào năm 2011, nên khi thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 không đủ để thực hiện toàn bộ khối lượng, khiến cho nhiều hộ còn chưa được cấp điện.
Ngoài ra, còn một thực tế khác khiến cho việc cấp điện đến các hộ dân ở Sơn La có khó khăn, đó là ở một số vùng, người dân chưa hiểu rõ chủ trương, nên công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc. “Đến nay còn một số gói thầu mặc đù đã đóng điện từ năm 2013, nhưng có địa phương vẫn chưa hoàn thiện và ra quyết định phê duyệt hồ sơ đền bù để Công ty quyết toán dự án”, ông Long cho hay.
Để không lặp lại tình trạng này, trong quá trình chuẩn bị triển khai Dự án cấp điện cho 5.000 hộ dân chưa có điện tại tỉnh Sơn La, EVN NPC và Công ty Điện lực Sơn La đã đưa ra những giải pháp như: kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng thi công xây lắp, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vốn đầu tư và kiểm soát chặt chẽ công tác lập, thẩm định, phê duyệt các hạng mục, gói thầu xây lắp, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm về công tác giám sát, đánh giá đầu tư, quản lý chất lượng xây dựng.
Bên cạnh đó, để Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ nhân dân các dân tộc Sơn La, Công ty Điện lực Sơn La đề nghị EVN và EVN NPC bố trí cấp vốn kịp thời để đáp ứng tiến độ thi công các công trình điện; UBND tỉnh Sơn La và UBND hai huyện Sông Mã, Mai Sơn thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, kịp thời bố trí vốn giải phóng mặt bằng theo cam kết giữa địa phương và ngành điện.
Hoàng Nam

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: