Sản xuất vải là khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam, khiến giá trị nhập khẩu vải năm 2014 lên tới 9,5 tỷ USD.



Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) cho biết, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp may của ngành dệt may nói chung và Tổng công ty Đức Giang nói riêng, bên cạnh những cơ hội, đang đứng trước những thách thức rất lớn như, cần có thời gian và lượng vốn rất lớn để đầu tư vào sản xuất vải, trong khi các DN nội lại rất eo hẹp về vốn.
Riêng về điểm này các nhà đầu tư nước ngoài mạnh hơn nhiều DN trong nước cả về vốn và công nghệ.
“Trong thời gian 2 - 3 năm tới sẽ chưa có đột phá về nguồn cung nguyên phụ liệu cả về chủng loại và số lượng. Ví dụ hiện tại cả nước mới có thêm 2 - 3 nhà máy sản xuất vải quần, sơ mi với công suất 2 - 4 triệu mét/tháng, năng lực này không đủ đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp may”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các doanh nghiệp tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục 'nguồn cung thiếu hụt'.
Theo danh mục này, các doanh nghiệp sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi.
Vì vậy, Tổng công ty Đức Giang đã có ngay giải pháp cho riêng mình khi Việt Nam tham gia TPP mà không phải chờ tới vài năm mới có được đủ nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước. Theo đó, Đức Giang đã phát triển lực lượng khai thác để tìm nguồn cung phù hợp với sản phẩm thế mạnh của Tổng công ty, bất kể là từ quốc gia nào.
Nguồn cung từ Trung Quốc, Hàn quốc, Indonesia, Ấn độ,… hiện nay vẫn đang chiếm phần lớn trong nguyên phụ liệu của Đức Giang.
Dệt may là mặt hàng có nhiều lợi ích khi TPP có hiệu lực, vì việc nhà nhập khẩu Mỹ được giảm và bỏ thuế nhập khẩu sẽ giúp lượng đơn hàng đặt may tại Việt Nam tăng cao. Hiện nay, nhìn chung hàng dệt may từ Việt Nam sang Mỹ có mức thuế bình quân 17,5%.
10 tháng 2015, xuất khẩu dệt may sang Mỹ chạm mốc 9,4 tỷ USD. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) , xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang hết sức thuận lợi, khi lượng đơn hàng đổ về các doanh nghiệp tăng trên 13% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng đơn hàng này cũng hoàn toàn trùng khớp với tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ trong 10 tháng qua và dự kiến cả năm 2015.
Trong số các thị trường thành viên nằm trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ là thị trường lớn nhất và quan trọng, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may.
Thế Hải

Theo baodautu.vn