Số lượng DNNN sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn tới là khoảng 500 doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet



Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cam kết với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh rằng, khả năng hoàn thành này là 100%.
“Toàn bộ phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp này đã được phê duyệt ngày 11/11 vừa qua. Các khó khăn khiến việc này chậm như xác định giá trị doanh nghiệp; đối chiếu công nợ… đều đã giải quyết xong”, ông Hiển nói tại Hội nghị Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN?diễn ra cuối tuần trước.
Nhưng chỉ có duy nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra được cam kết này. Phần lớn các bộ, ngành, địa phương có tên trong danh sách “triển khai tích cực nhưng đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả” cổ phần hóa DNNN trong 10 tháng đầu năm 2015 dừng lại ở lời hứa, sẽ thúc tiến độ từng doanh nghiệp. Ngay cả TP.HCM với cách làm họp kiểm điểm hàng tuần về tiến độ cổ phần hóa 21 doanh nghiệp trong danh sách, cho đến nay cũng mới hoàn thành được 6 doanh nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp là kết quả của 6 tháng đầu năm. Dự kiến tháng 11 này, TP.HCM sẽ công bố giá trị của 7 doanh nghiệp, tháng 12 thêm 3 doanh nghiệp. Khó khăn còn lại nằm ở 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc do những thay đổi mới của Luật Đất đai và sự phân công lại công việc giữa Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thậm chí, An Giang chỉ phải cổ phần hóa 1 doanh nghiệp trong năm nay cũng đã xin lui lại tới quý II/ 2016.
Như vậy, với số 161 DNNN phải cổ phần hóa trong một tháng rưỡi tới, khả năng hoàn thành theo cam kết của các địa phương được khoảng 51 doanh nghiệp. Nếu làm được, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ước tính, kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 sẽ đạt được 90%. Tính hết 10 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ này mới gần đạt 80%.
Song, cách chạy tiến độ này đang đặt áp lực lên kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020, mà trước hết là năm 2016.
Nguyên do theo các phương án sắp xếp DNNN của 36 bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ, tính cả 10% doanh nghiệp chuyển từ năm 2015 sang, sẽ có gần 300 doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa giai đoạn này.
Tuy nhiên, con số này mới là tập hợp từ 36 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án bổ sung. Vẫn còn tới 22 đơn vị chưa hoàn tất phần việc này, như các bộ Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước; các địa phương như Bắc Kạn, Cao Bằng, Cần Thơ, Đăklăk, Hà Giang, Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Thái Nguyên…
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ước tính, số lượng DNNN sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn tới là khoảng 500 doanh nghiệp. “Con số còn có thể tăng thêm khi tiêu chí danh mục phân loại DNNN sẽ thay đổi theo hướng có thêm nhiều DNNN chuyển sang diện cổ phần hóa”, ông Hà cho biết.
Có thể thấy, số lượng DNNN cổ phần hóa 5 năm tới tương ứng với giai đoạn vừa qua.
“Mọi việc sẽ phải bắt đầu sớm ngay trong quý I/2016, không để dồn lại vào 2 năm cuối như giai đoạn 5 năm vừa qua. Công việc tổ chức triển khai thực hiện cũng sẽ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì thực tế cho thấy, nơi nào tập trung thì công việc cơ bản hoàn thành, còn lơ là thì bị trôi đi”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.
Khánh An

Theo baodautu.vn