Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên



Ông đánh giá thế nào về lợi thế của Vùng Duyên hải miền Trung trong thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ?
Theo tôi, lợi thế lớn nhất của Vùng Duyên hải miền Trung là vị trí. Vị trí khá đặc biệt là trung điểm của hai vùng kinh tế lớn nhất cả nước (Hà Nội và TP.HCM), kết hợp với phía Tây giáp Tây Nguyên rộng lớn và biên giới các nước Lào, Campuchia đã đưa Duyên hải miền Trung trở thành một phần quan trọng trong Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Đặc biệt, Duyên hải miền Trung là điểm cuối của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, là cửa ngõ hướng Đông quan trọng cho Tây Nguyên. Chưa kể, từ Vùng Duyên hải miền Trung đi các thị trường Đông Á, châu Âu khá thuận lợi so với nhiều nơi khác, nên sẽ có lợi thế lớn về chi phí vận chuyển khi nhà đầu tư lựa chọn đầu tư.
Lợi thế thứ hai là hạ tầng. Duyên hải miền Trung là một trong số ít vùng kinh tế hội tụ khá toàn diện về hạ tầng cứng cho phát triển kinh tế, bao gồm: đường sắt Bắc - Nam, đường bộ với tuyến Quốc lộ 1A xuyên suốt cả vùng đang dần được cải thiện; đường hàng không với nhiều sân bay quốc tế và trong nước; đường thủy thông qua nhiều cảng biển nước sâu quan trọng đã và đang triển khai, như các cảng Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Bãi Gốc, Vân Phong… Đây chính là lợi thế cạnh tranh đặc biệt quan trọng giúp các các tỉnh Duyên hải miền Trung thu hút đầu tư vào các dự án lớn, trong đó có công nghiệp nặng và công nghiệp hỗ trợ.
Một vấn đề nữa được xem là quyết định sự thành bại đối với thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ là các dự án trọng điểm. Tôi nhấn mạnh rằng, công nghiệp hỗ trợ chỉ phát triển khi có dự án mang tính động lực xuất hiện. Các dự án công nghiệp hỗ trợ sẽ là vệ tinh xung quanh dự án động lực đó. Điều này miền Trung đã và đang có lợi thế lớn, với hàng loạt dự án mang tính động lực trong lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu, như Lọc dầu Dung Quất, Lọc dầu Vũng Rô, Lọc hóa dầu Nhơn Hội… Hoặc các dự án công nghiệp ô tô và tàu biển, như các nhà máy lắp ráp ô tô của Trường Hải (Quảng Nam), Nissan (Đà Nẵng), Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (Khánh Hòa)…
Vùng Duyên hải đang có lợi thế lớn, tuy nhiên thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự khởi sắc. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Tôi khẳng định rằng, thu hút đầu tư vào các địa phương Vùng Duyên hải miền Trung nhìn tổng thể là khá tốt, song đối với công nghiệp hỗ trợ còn khá chậm và chưa mang tính bước ngoặt. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu chiến lược thu hút đầu tư, trong khi phần lớn các địa phương tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực dễ phát triển hơn như du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến nông - thủy sản. Chính thực tế đó đã làm mất cân bằng trong cơ cấu vốn đầu tư.






Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam



Một lý do khác, các địa phương Vùng Duyên hải miền Trung đều có lợi thế khá tương đồng, từ vị trí địa lý đến điều kiện hạ tầng, cơ chế chính sách và cả việc địa phương nào cũng có khu kinh tế, khu công nghiệp như nhau, dẫn đến sự chồng chéo trong thu hút đầu tư, không phát huy được lợi thế đặc thù của mỗi địa phương trong xúc tiến đầu tư.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp?
Theo tôi, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện Quyết định 03/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó có quy định rõ vai trò của liên kết vùng. Trên cơ sở đó, các địa phương cùng nhau xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư tổng thể, trong cái tổng thể đó sẽ hiện diện lợi thế đặc thù của mỗi địa phương. Quan trọng hơn, việc này sẽ giúp nhà đầu tư rõ hơn về thông tin mình cần và lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp nhất. Ngoài ra, các địa phương cần cụ thể hóa sự liên kết vùng đã được ký kết, hoặc đã thống nhất qua các hội thảo chung vừa qua.
Đặc biệt, chính sách về thu hút công nghiệp phụ trợ cần được sớm ban hành để các địa phương xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, đặc biệt là Vùng Duyên hải miền Trung. Chính sách này sẽ rộng mở cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và trở thành vệ tinh cho các dự án trọng điểm.
Hoàng Thủy

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: