Lọc hóa dầu đang là đề tài nóng nhất của Vùng Duyên hải miền Trung trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê sơ bộ, từ Thanh Hóa tới Phú Yên hiện có 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu đã được Chính phủ đồng ý cấp phép đầu tư và nghiên cứu đầu tư. Việc này mở ra cơ hội rất lớn cho khu vực miền Trung bứt phá, không chỉ dựa vào lượng vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế của các dự án này mang lại, mà còn tạo nên hiệu ứng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo.
Hiện tại, ngoài Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang được triển khai, còn có các dự án khác như Dự án mở rộng Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) đang trong giai đoạn tiền khởi công, Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội đang giai đoạn nghiên cứu triển khai.






Vùng Duyên hải miền Trung hiện có 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu. Ảnh: Đức Thanh.




Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn đang xúc tiến các phần việc triển khai Dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án sẽ nâng công suất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD.
Theo ông Sô, dự kiến công tác đấu thầu, ký hợp đồng thực hiện thiết kế tổng thể (FEED) và hợp đồng bản quyền sẽ hoàn thành quý II/2015, triển khai hợp đồng EPC từ quý IV/2017 đến quý III/2021 và đưa vào vận hành trước năm 2022.
Ông Sô cũng rằng, việc mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ giúp tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ngãi phát triển, cũng như góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương. Đặc biệt, sự phát triển của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã và đang tạo lực hút lớn đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sau lọc dầu tại Khu kinh tế Dung Quất.
Trong khi đó, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) có tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD, do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc Khu công nghiệp Hòa Tâm - Khu kinh tế Nam Phú Yên. Dự án đã chính thức động thổ giai đoạn I vào tháng 9/2014 và đang hoàn tất các thủ tục cần thiết thiết quan đến mặt bằng còn lại để tiến hành khởi công xây dựng. Dự án có công suất 8 triệu tấn/năm.
Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sẽ là bệ phóng để thu hút đầu tư về hóa dầu và công nghiệp phụ trợ sau lọc dầu, cùng với lợi thế về sử dụng chung cảng nước sâu Bãi Gốc. Bên cạnh đó, Dự án sẽ góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ cho các lĩnh vực khác tại Phú Yên phát triển theo.
Theo ông Trúc, đến thời điểm này, Phú Yên có thể yên tâm vạch ra phương án xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực hậu hóa dầu. Gần đây nhất, Đoàn khoa học và doanh nghiệp Belarus đã đến Phú Yên tìm hiểu và xúc tiến đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón hàm lượng kali cao. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng cho địa phương.
Khu vực miền Trung đang dậy sóng bởi siêu Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định). Dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD, công suất 400.000 thùng/ngày, do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đăng ký nghiên cứu đầu tư. Mặc dù Dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, nhưng ít nhiều cũng tạo nên hiệu ứng rất mạnh về kinh tế - xã hội địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho rằng, thông tin trên đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với tiến trình triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội. Đây là một trong những dự án động lực cho tỉnh Bình Định, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến lọc hóa dầu ở Bình Định, đưa kinh tế Bình Định phát triển vững chắc trong thời gian đến.
“Động thái này mở ra triển vọng lớn cho thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Bình Định, vốn còn rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng phát triển của địa phương, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và hậu lọc hóa dầu”, bà Thủy nhận định.
Ý kiến - Nhận định

Bình Định lựa chọn cách tiếp cận nhà đầu tư theo hướng đối thoại trực tiếp để xúc tiến.

- Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Bình Định là cửa ngõ quan trọng của cả khu vực Tây Nguyên và Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, với hệ thống hạ tầng kết nối thông qua Quốc lộ 19 nối liền với cảng Quy Nhơn. Tiềm năng lớn, nhưng Bình Định lựa chọn cách tiếp cận nhà đầu tư theo hướng đối thoại trực tiếp để xúc tiến, giới thiệu về địa phương. Lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, có ngành nghề phù hợp với sự phát triển của Bình Định đang là giải pháp xúc tiến mà địa phương đang xây dựng. Qua đó, Bình Định kỳ vọng kết nối được những nguồn vốn đầu tư nước ngoài đủ mạnh, tạo cú huých cho kinh tế phát triển.

Công ty Becamex IDC và Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu khả thi Dự án Khu phức hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ và đô thị với diện tích khoảng 600 ha tại Bình Định. Với kinh nghiệm đầu tư và xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp của VSIP, trong tương lai, khi Dự án Khu phức hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ và đô thị này được triển khai, Bình Định sẽ có cơ hội rất lớn để đón làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài vào địa phương.

Công nghiệp công nghệ cao và du lịch là thế mạnh của Đà Nẵng.

- Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

TP. Đà Nẵng xác định rõ định hướng phát triển và thu hút đầu tư những dự án sạch, đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Khu công nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực du lịch đang là thế mạnh, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của Đà Nẵng, nên Thành phố sẽ tập trung kêu gọi vào lĩnh vực này.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích 1.010 ha tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), nằm trên đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, cách trung tâm TP. Đà Nẵng 22 km, cách cảng Tiên Sa 25 km, cách Sân bay Quốc tế Đà Nẵng 17 km. Đây chính là lợi thế lớn để Đà Nẵng trở thành điểm đến đối với các nhà tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao.

Hiện tại, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư quốc tế. Gần đây nhất, TP. Đà Nẵng đã thu hút được nhà đầu tư đầu tiên, với Dự án Tokyo Keiki Precision Technology (Nhật bản), tổng vốn đầu tư 40 triệu USD.n

Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa có chính sách cụ thể.

- TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn Vùng Duyên hải miền Trung

Ở nước ta, công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 4 nhóm ngành chính, gồm: cơ khí, cao su - nhựa, điện tử - viễn thông, hóa chất - phụ gia. Tại các nước có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thì mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung theo 2 hướng chính.

Hướng thứ nhất là lựa chọn ngành nghề chủ chốt, có sản phẩm cụ thể, mang tính chiến lược, từ đó phát triển các ngành hỗ trợ phát triển theo dựa trên sản phẩm chiến lược này. Mô hình này đang được Samsung áp dụng tại Tổ hợp Samsung ở Thái Nguyên và cho thấy hiệu quả cao.

Mô hình thứ hai dựa trên cơ sở Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ các chính sách giới thiệu các doanh nghiệp có năng lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để phát triển theo chiều sâu. Mô hình này đã và đang thí điểm tại Đồng Nai, do nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện, nhưng kết quả không như mong đợi.

Đã được nhắc đến trong nhiều năm qua, nhưng công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa có có chính sách cụ thể, cả nước đang loay hoay tìm hướng đi.

Sơn Thắng

Theo baodautu.vn