Khu kinh tế được đánh giá là có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Cũng như nhiều địa phương thuộc Vùng Duyên hải miền Trung, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Phú Yên quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế làm động lực tăng trưởng, trong đó có Khu kinh tế Nam Phú Yên, với mục đích xây dựng hạ tầng đồng bộ kết hợp với các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đầu tư có trọng điểm và hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, Khu kinh tế Nam Phú Yên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên xác định là một trong những động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn vừa qua, Khu kinh tế Nam Phú Yên chưa phát huy được lợi thế của mình để tạo lợi thế cạnh tranh nhất định trong thu hút đầu tư. Đây là điều Phú Yên rất trăn trở. Hiện nay, với lợi thế về hạ tầng cùng với Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô đang xúc tiến triển khai, chúng tôi tin rằng, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thực sự mở ra trang sử mới và sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.






Ông Lê Văn Thành, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên.





Ông có thể nói rõ hơn về lợi thế của Khu kinh tế Nam Phú Yên?
Khu kinh tế Nam Phú Yên nói riêng và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung đang có lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư. Điều đầu tiên chính là hạ tầng, với hai dự án hầm đèo Cả và hầm qua đèo Cù Mông đang được triển khai, Phú Yên đã thực sự thoát khỏi sự kềm kẹp giữa hai ngọn đèo nguy hiểm, gây trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa, tác động đến lợi thế thu hút đầu tư.
Với việc khai thông hai ngọn đèo này, cùng với lợi thế về cảng biển như Cảng Vũng Rô hiện tại và Cảng Bãi Gốc trong tương lai, kết hợp với Sân bay Tuy Hòa nằm ngay trong Khu kinh tế, chúng tôi khẳng định rằng, Phú Yên đã mở toang cánh cửa phát triển, mở rộng giao thương với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc và cả Tây Nguyên rộng lớn. Đây chính là điểm nhấn quan trọng để Phú Yên kỳ vọng sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mới vào tỉnh trong thời gian tới.
Được biết, bên cạnh việc thu hút những dự án lớn, Phú Yên cũng rất quan tâm tới thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, ông có tin rằng, Phú Yên sẽ có lợi thế để lĩnh vực này phát triển?
Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào lợi thế phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh. Công nghiệp phụ trợ là lĩnh vực phát triển vệ tinh xung quanh những dự án trọng điểm, quy mô lớn, do đó, với việc Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô đang triển khai với tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm, chúng tôi tin rằng sẽ tạo nên lực hút lớn đối với các dự án phụ trợ khác, trong đó có công nghiệp hậu lọc hóa dầu.
Nhiều địa phương cũng có những khu kinh tế và họ cũng có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư. Để hấp dẫn nhà đầu tư đến với Phú Yên, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cần làm gì, thưa ông?
Chúng tôi xác định, tiềm năng và lợi thế không thôi là chưa đủ, vấn đề là lựa chọn giải pháp nào để kích hoạt tiềm năng và lợi thế đó để đưa Khu kinh tế trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Trên tinh thần đó, Khu kinh tế Nam Phú Yên đang xây dựng một hướng đi mới trong xúc tiến đầu tư có trọng điểm và hiệu quả hơn.
Trước tiên, chúng tôi xác định cần phải định vị lại lợi thế của mình và xây dựng danh mục các dự án phù hợp với sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên. Từ đó sẽ chọn giải pháp đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm lực, gõ cửa doanh nghiệp để mời họ tiếp cận với Khu kinh tế Nam Phú Yên. Đây là việc làm cần thiết, đảm bảo được việc lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực.
Sơn Thắng

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: