Những kết quả đạt được đã tạo nên những dấu ấn mới, tiền đề vững chắc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư cho 5 năm tới.
5 năm qua, kinh tế Hà Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao và có chuyển biến tích cực. GDP năm 2015 gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP chiếm hơn 87%. Thu ngân sách về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội, tổng thu ngân sách 5 năm gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tăng bình quân 21,4%/năm. Công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao với nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015, gấp 2,62 lần so với năm 2010, bình quân tăng 21,3%/năm.







Hà Nam đang có điều kiện trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về giáo dục, đào tạo... Ảnh: Quý Hưng




Nông nghiệp phát triển khá toàn diện với nhiều mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả gắn liền với các đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn, phát triển cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản trong nội bộ ngành tăng từ 44,4% năm 2010 lên 49,1% năm 2015.
Thương mại, dịch vụ phát triển, mở rộng về quy mô, loại hình và từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, bình quân tăng 20%/năm; kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, 5 năm đạt trên 3 tỷ USD, tăng bình quân 39,7%/năm. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao: GDP bình quân đầu người tăng bình quân 30,34%/năm, năm 2015 đạt 42,33 triệu đồng, gấp 2,58 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, bình quân giảm 1,98%/năm.
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ then chốt tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ 2011-2015, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh được đầu tư có trọng điểm, hiệu quả. Một loạt dự án lớn tạo hạ tầng khung, kết nối Hà Nam với các tỉnh trong vùng và vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đã được triển khai. Đó là đường tỉnh 495B, đường nối 2 cao tốc, tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Phủ Lý, tuyến tránh Quốc lộ 38 đoạn qua thị trấn Hòa Mạc, nhà thi đấu đa năng và hạ tầng liên quan thuộc khu liên hợp thể thao, dự án đô thị Phủ Lý, hạ tầng KCN Đồng Văn I mở rộng, KCN Đồng Văn III, Cụm công nghiệp Kiện Khê I mở rộng, Khu Đại học Nam Cao, Khu y tế chất lượng cao... 5 năm, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều dự án như: đường tỉnh 497 – Bình Lục, đường tỉnh 492 – Lý Nhân, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Phủ Lý – Đoan Vĩ, đường Phủ Lý – Mỹ Lộc,...
Đầu tư xây dựng Trường THPT Nguyễn Khuyến, Lê Hoàn, Trường TPTH chuyên Biên Hòa, nhà ở sinh viên...; đảm bảo tốt điều kiện để thông xe tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận Hà Nam vượt tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, hạ tầng nông nghiệp - nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Đến 31/7/2015, toàn tỉnh đã làm được 1.803 km đường giao thông thôn, xóm, trên 814 km nền đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa 45,5 km kênh mương cấp III theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm; nâng cấp, xây dựng mới 2.002 phòng học, 294 nhà văn hóa thôn, xóm, 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh...
5 năm qua, nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tỉnh đã đổi mới và đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung xúc tiến đầu tư song phương, chủ động thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp lớn trong nước, các bệnh viện trung ương, các trường đại học công lập, tạo động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 70.575 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2005 - 2010, bình quân tăng 14,2%/năm.
Trong lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2011 đến 31/7/2015, Hà Nam đã thu hút được 211 dự án đầu tư 108 dự án trong nước, 103 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 23.532 tỷ đồng và 986,8 triệu USD, trong đó có một số dự án công nghệ tiên tiến, quy mô lớn như Nhà máy sản xuất xe gắn máy Honda Việt Nam, Nhà máy NumberOne Hà Nam, Dự án xi măng Xuân Thành giai đoạn 2, Dự án xi măng Thành Thắng giai đoạn 2, Nhà máy chế biến sữa Nutifood, Dự án sản xuất thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng của Cty KMW…; kết quả đó đã đưa Hà Nam năm 2014 đứng trong tốp 10 và 6 tháng đầu năm 2015 đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến 31/7/2015, trên địa bàn tỉnh có 510 dự án đầu tư còn hiệu lực (145 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký trên 1.317 triệu USD và 46.207,6 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 70% vốn đăng ký.
Lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã quy hoạch 17 vùng nông nghiệp chất lượng cao để thu hút doanh nghiệp từ các nước nông nghiệp phát triển (Nhật Bản, Israel) và doanh nghiệp lớn trong nước về nghiên cứu đầu tư dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Đó là đoàn doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Ibaraki, tỉnh Saga, Công ty Fujitsu, Japan Corporation, Seibu Nousan, Tập đoàn showa Denko, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty Nippon Việt Nam...
Lĩnh vực dịch vụ đã thu hút thành công một số tập đoàn lớn trong nước đầu tư dự án Trung tâm thương mại, siêu thị tại TP.Phủ Lý và trung tâm các huyện; nhiều ngân hàng thành lập mới các chi nhánh tại tỉnh; đặc biệt đã thu hút được 17 trường đại học, cao đẳng, bệnh viện đăng ký đầu tư. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức đã triển khai đầu tư cơ sở II tạo tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch.
Những kết quả trên khẳng định, 5 năm qua Hà Nam đã có bước phát triển vượt bậc, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng, nổi bật, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Đảng bộ và nhân dân Hà Nam nhận thức sâu sắc, đạt được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, sự đoàn kết, sáng tạo của BCH Đảng bộ tỉnh cùng sự chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Trong nhiệm kỳ tới, trên cơ sở phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, Hà Nam tiếp tục: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững”.
Mai Tiến Dũng (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam)

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: