Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm thời kỳ 2011-2015 trong Dự thảo Văn kiện được ước tính trên cơ sở kế hoạch năm 2015. Theo ước tính mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mức tăng GDP năm 2015 là tăng 6,4% (cao hơn mức kế hoạch 6,2%), thì bình quân thời kỳ 2011-2015 đạt 5,86%, chứ không phải 5,82%.
Mức này thấp hơn bình quân năm thời kỳ 2006-2010 (6,32%) và thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (7,0-7,5%/năm), nhưng có thể vẫn được coi là hợp lý, bởi xu hướng tăng lên từ năm 2013.
Tuy nhiên, không nên dùng cụm từ “dần phục hồi” như Dự thảo mà chỉ nên dùng là “đã cao lên”; nếu có nói đến phục hồi, thì chỉ nên dùng cụm từ “tiến đến phục hồi”, bởi mới là “thoát đáy vượt dốc đi lên tiến đến phục hồi”, bởi vẫn còn nằm trong “vùng đáy”; bởi còn thấp so với cả yêu cầu, cả tiềm năng; bởi vẫn còn tụt hậu xa hơn; bởi nhiều chỉ tiêu không đạt được mục tiêu tổng quát được đề ra từ 2-3 kỳ Đại hội trước là “đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.











Mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 2016-2020 được Dự thảo Văn kiện đưa ra là 6,5-7%, cao hơn mức bình quân năm trong 2 kế hoạch 5 năm trước, nhưng so với yêu cầu (phục hồi, chống tụt hậu xa hơn, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...) thì chưa đạt, nên có thể chỉ đề ra một mức là 7%.
GDP bình quân đầu người năm 2015 được Dự thảo Văn kiện đưa ra là 2.200 USD, cùng với tổng GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD là không thống nhất. Vì như vậy, dân số năm 2015 sẽ là 92.727,3 nghìn người, tăng tới 2,2% so với năm 2014, trong khi từ năm 2007 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, chưa năm nào tăng quá 1,09%?
Có chuyên gia dự đoán, tốc độ tăng GDP theo giá so sánh năm 2015 có thể đạt 6,4%; chỉ số giảm phát GDP (chỉ số tính theo phần trăm phản ánh mức giá chung của tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước) khoảng 4% (năm 2014 là 3,67%), thì tốc độ tăng GDP theo giá thực tế đạt 10,66% (năm 2014 tăng 9,87%); tốc độ tăng giá USD bình quân năm nay so với năm trước khoảng 3% (8 tháng tăng 2,96%), với GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm trước là 186,2 tỷ USD.
Tính ra, GDP năm 2015 tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân chỉ đạt khoảng 200 tỷ USD, chứ chưa đạt 204 tỷ USD và với dân số ước tăng 1,08% (với số liệu thống kê dân số năm 2015 là 91,708 triệu người) và bình quân đầu người sẽ đạt 2.181 USD (thấp hơn mức 2.200 USD/người như ước tính).
Nếu tốc độ tăng GDP bình quân đầu người bình quân năm trong 5 năm tới bằng thời kỳ 2012-2015, thì năm 2020 sẽ tăng 43,8% so với năm 2015, hay đạt khoảng 3.136 USD/người - khó đạt bằng 3.200-3.500 USD/người như Dự thảo và cũng cách khá xa so với tiêu chí 5.000 USD/người của nước công nghiệp.
Tỷ trọng công nghiệp (đúng ra phải là công nghiệp - xây dựng) và dịch vụ trong GDP đến năm 2015 và mục tiêu đến năm 2020 là có thể đạt được, nhưng còn thấp so với tiêu chí (trên 90%) của nước công nghiệp, trong khi mục tiêu đã được điều chỉnh, nhưng lại là sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vấn đề cần chú ý là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chưa được Dự thảo đưa ra và quan trọng hơn là đề ra mục tiêu giảm tính gia công lắp ráp.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP đến năm 2015 ước đạt 31%. Con số này được xem xét trên ba mặt. Một, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Hai, do thấp xa so với mục tiêu Đại hội XI (40%), nên đó là một trong những yếu tố góp phần làm cho tốc độ tăng GDP thời kỳ 2011-2015 thấp hơn thời kỳ trước và mục tiêu đề ra. Ba, tạo sức ép để nâng cao hiệu quả đầu tư, thể hiện ở hệ số ICOR đã thấp hơn thời kỳ trước và mục tiêu Đại hội XI.
Tỷ lệ vốn đầu tư theo mục tiêu trong thời kỳ 2016-2020 được nâng lên là hợp lý, bởi yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao lên. Có 2 vấn đề đặt ra: Một là, lấy vốn từ đâu trong khi nguồn vốn từ kinh tế nhà nước giảm xuống, nếu không huy động tốt hơn nguồn vốn còn tồn đọng lớn ở trong dân dưới dạng vàng, ngoại tệ. Hai là, tăng hiệu quả đầu tư như thế nào (nếu tỷ lệ vốn/GDP là 34%, còn tăng trưởng chỉ đạt 6,5%)?
Bội chi ngân sách nhà nước/GDP trong mấy năm qua bình quân ở mức trên 5%, do vậy, để hạ xuống 4% là rất khó khăn, mặc dù đó vẫn là tỷ lệ cao. Vấn đề quan trọng là nguồn thu nội địa - hiệu quả của nền kinh tế còn thấp nếu nông dân vẫn còn “lấy công làm lãi”, công nghiệp vẫn còn mang nặng tính gia công, lắp ráp, dịch vụ vẫn mang tính kiêm nhiệm, ít tính chuyên nghiệp; là chỉ tiêu tiết kiệm.
Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP thời kỳ 2011-2015 theo đánh giá trong Dự thảo Văn kiện là 24-25% - tức là chưa được 1/4, thấp so với giải pháp của Đại hội XI đề ra là 32%, mục tiêu thời kỳ 2016-2020 được Dự thảo Văn kiện Đại hội đề ra là 25-30% (cũng thấp so với mục tiêu Đại hội XI đề ra đến năm 2020 là 34-35%).
TFP phản ánh tác động của hiệu quả đầu tư, năng suất lao động trên cơ sở khoa học- công nghệ. Hiệu quả đầu tư biểu hiện ở hệ số ICOR. ICOR trong thời kỳ 2006-2010 là 6,2 lần, trong thời kỳ 2011-2014 là 5,5 lần, ước tính năm 2015 còn thấp hơn (ở mức dưới 5 lần), tuy nhiên vẫn còn cao hơn nhiều so với nhiều nước chỉ ở mức 2-3 lần. Tốc độ tăng năng suất lao động theo giá so sánh trong thời kỳ 2011-2014 cao hơn thời kỳ 2006-2010 (3,82%/năm so với 3,45%/năm), khả năng năm 2015 còn tăng cao hơn (ước trên 5,3%) và tính chung 2011-2015 tăng 4,11%- cao hơn tốc độ tăng 3,8% như trong Dự thảo đưa ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành và mức năng suất lao động của Việt Nam còn thấp xa so với nhiều nước. Dù Dự thảo kỳ này có điều chỉnh, nhưng tỷ trọng đóng góp của TFP vào tốc độ tăng GDP sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2020 (25-30%). Hiện Việt Nam vẫn chưa có số liệu chính thống về TFP.
Ngoài những chỉ tiêu trên, Văn kiện Đại hội Đảng XII cần đưa ra 2 nhóm chỉ tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô, đó là lạm phát và xuất/nhập khẩu.
Lạm phát thời gian qua đã có diễn biến quan trọng: chấm dứt chu kỳ “cứ 1 năm thấp có 2 năm cao” từ 2004 đến 2011 (với tốc độ tăng bình quân trong thời kỳ này lên đến 11,58%/năm); tăng chậm lại nhanh trong 2 năm 2012 (6,81%), năm 2013 (6,04%) nhưng đã tăng “thấp quá” trong năm 2014 (1,84%), 8 tháng đầu năm 2015 (0,61%). Từ diễn biến này cần chuyển tư duy “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu” - mà mục tiêu có thể là “thấp hơn hoặc không cao quá tốc độ tăng trưởng GDP” chẳng hạn.
Xuất/nhập khẩu là lối ra của nền kinh tế, trong điều kiện mở cửa hội nhập sâu rộng hơn, với nhiều FTA thế hệ mới, nhất là AEC thành lập vào cuối năm và tham gia TPP trong thời gian tới. Mục tiêu này có thể được thể hiện bằng hai chỉ tiêu: tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (hoặc là hệ số tốc độ tăng cao gấp đôi tốc độ tăng GDP); tỷ lệ xuất siêu hay tỷ lệ nhập siêu hay thăng bằng xuất/nhập khẩu. Người viết đề nghị dùng hệ số tốc độ tăng xuất khẩu cao gấp đôi tốc độ tăng GDP và thăng bằng xuất/nhập khẩu.
Th.s Đỗ Văn Huân

Theo baodautu.vn