Chốt mốc tốt nghiệp vốn vay ưu đãi IDA
Danh sách 19 chương trình, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của WB dự kiến tái cơ cấu, hủy một phần vốn không sử dụng vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi xin ý kiến của các bộ, ngành và địa phương liên quan. “Các cơ quan đang triển khai dự án có tên trong danh sách cần sớm báo cáo tình hình triển khai, tiến độ thực hiện, dự kiến phần vốn không sử dụng hết và kiến nghị kế hoạch hành động để cải thiện tình hình”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Lý do của đợt tổng rà soát danh mục đầu tư các dự án sử dụng vốn vay WB lớn nhất từ trước đến nay xuất phát từ việc Việt Nam sẽ không còn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) do đã trở nước thu nhập trung bình thấp. “Hiện thời điểm ‘tốt nghiệp’ nguồn vốn từ IDA với nhiều điều kiện vay ưu đãi đã được xác định là cuối tài khóa 2017”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp phải “cai” IDA, các khoản vay ưu đãi bị hủy do không giải ngân hết hoặc thay đổi tỷ giá và thiết kế này sẽ không thể tái sử dụng cho các chương trình/dự án khác, mà phải trả lại nhà tài trợ.






Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội nằm trong danh sách sơ bộ 19 dự án có thể xem xét hủy vốn. Ảnh: Đức Thanh



Cần phải nói thêm rằng, Việt Nam vẫn đang được WB xếp vào nhóm nước cho vay hỗn hợp giữa chương trình của IDA và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (vốn IBRD), Trong đó, chủ yếu vẫn là vốn IDA với các điều kiện ưu đãi hơn nhiều so với IBRD.
Thông tin từ WB cho biết, tính đến cuối năm tài chính 2015, Việt Nam là quốc gia vay vốn từ nguồn IDA lớn thứ hai, với 45 dự án có tổng vốn cam kết ròng là 8,5 tỷ USD. Điều đáng lo ngại là, 9/45 dự án bị đánh giá có vấn về thực sự, chiếm 16,7% tổng số cam kết ròng (1,423 tỷ USD) và 18,8% số lượng dự án, chương trình.
Trước đó, cuối tháng 7/2015, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với WB rà soát lại toàn bộ danh mục chương trình, sử dụng vốn vay, cắt bỏ những khoản vốn không dùng được và chuyển cho dự án khác, tránh trường hợp không sử dụng.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá toàn diện tác động của việc tốt nghiệp IDA năm 2017 và kiến nghị giải pháp phù hợp.
Lộ dự án rủi ro cao
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB đã thống nhất các mốc thời gian của kế hoạch rà soát. Cụ thể, thời điểm thống nhất với chủ nhiệm dự án và cơ quan thực hiện về lượng vốn cần phải hủy bỏ ngay lập tức là cuối tháng 10/2015; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 11/2015 và Ngân hàng Nhà nước gửi thư thông báo chính thức cho WB về phần vốn cần hủy tháng 12/2015.
Đây mới chỉ là vòng đầu tiên của kế hoạch. Các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục theo dõi danh sách đã được xây dựng để tiếp tục hủy vốn của các công trình không có nhiều tiến triển (dự kiến trước tháng 10/2016). Vòng cuối cùng của việc hủy bỏ sẽ được hoàn thành trước cuối chu kỳ IDA 2017 vào tháng 6/2017.
Được biết, các tiêu chí để tiến hành sàng lọc các chương trình, dự án vào danh mục mà không một chủ đầu tư nào mong muốn này gồm: đã thực hiện được 2 năm kể từ khi được WB phê duyệt nhưng giải ngân ít hơn 10%; đã qua giai đoạn giữa kỳ nhưng giải ngân ít hơn 40%; đã gia hạn thời hạn đóng khoản vay (2 năm hoặc nhiều hơn) và gần đến hết thời gian thực hiện mà vẫn còn 30% lượng vốn chưa giải ngân.
Dự án chỉ cần “dính” 1 trong các tiêu chí nói trên sẽ được đưa vào tầm ngắm. Ngoài ra, cơ quan thực hiện và nhóm công tác rà soát có thể đề xuất những dự án chưa xác định ban đầu nếu thấy cần thiết.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, trong danh sách sơ bộ 19 dự án bị đưa vào theo dõi và có thể xem xét hủy vốn, có khá nhiều công trình từng nằm rất lâu trong danh sách báo động đỏ của nhà tài trợ như: Dự án Giao thông đô thị Hải Phòng có lượng vốn chưa giải ngân trên tổng mức đầu tư khá lớn (105/175 triệu USD); Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội (75,45/155 triệu USD); Quỹ đầu tư phát triển địa phương (100,88/190 triệu USD); Dự án Phát triển năng lượng tái tạo (129/202 triệu USD)…
Các dự án nói trên đều có thời gian kết thúc vào tháng 6 hoặc tháng 12/2016. “Với lượng vốn dư rất lớn, trong khi quỹ thời gian còn lại rất mỏng, các dự án này có khả năng không thể giải ngân hết khi hiệp định vay kết thúc, nếu chủ đầu tư không đưa ra một chương trình hành động mang tính đột phá”, một chuyên gia cho biết.
Anh Minh

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: