Đại hội Đảng lần thứ XI và Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra mục tiêu về TFP và những chỉ tiêu liên quan đến năm 2015 và 2020 như bảng bên. Hiện chưa có số liệu chính thống của Tổng cục Thống kê - cơ quan được giao trách nhiệm công bố Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia về tỷ trọng đóng góp của TFP vào tốc độ tăng GDP. Con số được làm cơ sở để Văn kiện Đại hội XI xác định mục tiêu này vào năm 2006-2010 (nhưng không nêu rõ nguồn) là khoảng 28%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đưa ra những con số khá khác nhau và đều thấp hơn con số 28% được dùng để xác định mục tiêu đến năm 2015 và 2020. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định đóng góp của TFP vào tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 khoảng 24-25%.











Từ các thông tin trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.
Thứ nhất, không đạt được mục tiêu về đóng góp của TFP với tăng trưởng vào năm 2015.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phát triển theo chiều rộng, khi tăng trưởng GDP dựa vào vốn và lao động lên tới quá 3/4; TFP là chỉ tiêu chất lượng, nhưng chỉ đóng góp 1/4.
Thứ ba, Việt Nam có số lượng lao động đông đảo đến mức dư thừa, lại vẫn đang tăng, nhưng tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP thấp, chỉ trên dưới 20%. Năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động tuy đã cao lên, nhưng chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành; lao động nông nghiệp chủ yếu vẫn là “lấy công làm lãi”, công nghiệp vẫn là gia công, lắp ráp, dịch vụ tính chuyên nghiệp chưa cao.
Thứ tư, Việt Nam tuy thiếu vốn đầu tư do tích lũy nội bộ còn thấp, có một phần quan trọng còn phải dựa vào đầu tư nước ngoài và vay nợ nước ngoài, nhưng tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn chiếm quá nửa tốc độ tăng GDP. Hiệu quả đầu tư còn thấp. Mặc dù hệ số ICOR của thời kỳ 2011-2014 thấp hơn của thời kỳ 2006-2010 (5,5 lần so với 6,2 lần), nhưng vẫn còn rất cao so với mức trung bình của nhiều nước. Chính những điều này đã là một trong những yếu tố gây ra những bất ổn vĩ mô.
Tỷ lệ lao động đang làm việc được đào tạo là chỉ tiêu rất quan trọng, là một trong những yếu tố làm tăng năng suất lao động, tăng GDP. Dự thảo đưa ra 2 tỷ lệ 65-70% và 25-26%. Cần thống nhất sử dụng số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, vì tỷ lệ lao động đang làm việc thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia do Tổng cục Thống kê mới được công bố theo quy định của Luật Thống kê. Việc xác định mục tiêu cũng như đánh giá thực hiện cũng cần phải trên cơ sở các con số này.
Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh trình độ khoa học - công nghệ của sản xuất công nghiệp, là ngành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế Việt Nam, là tiêu chí thể hiện có là nước công nghiệp hay không. Tuy nhiên, mục tiêu chiếm tới 40% toàn ngành công nghiệp không phải là thấp và không dễ đạt được. Phải chăng Dự thảo đã không đưa ra chỉ tiêu này.
Về tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị với mục tiêu 20%/năm, tức là chưa đến 5 năm đã phải thay đổi toàn bộ thiết bị - công nghệ mới, cũng tức là chưa đến 5 năm đã phải khấu hao hết giá trị của số thiết bị - công nghệ đã đầu tư trước đây. Đối với Việt Nam, do các doanh nghiệp lo ngại giá thành cao, thường kéo dài thời gian khấu hao, phải giảm tỷ lệ khấu hao, chỉ bằng một nửa con số trên, nên tốc độ đổi mới là 10%, khó đạt 20%.
Tốc độ tăng giá trị giao dịch thị trường khoa học - công nghệ, với mục tiêu được đề ra là 15%/năm. Dự thảo đã đưa ra mức thực hiện là 13,5%/năm, nghĩa là chưa đạt kế hoạch. Theo mục tiêu, tốc độ tăng của chỉ tiêu này tính theo giá thực tế nhìn chung cao hơn tốc độ tăng của GDP (nhưng cần phải tính theo giá so sánh) là cần thiết và đúng hướng. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu cần được đưa vào Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia để đánh giá thực hiện.
Minh Nhung

Theo baodautu.vn