Một cách thẳng thắn, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đặt câu hỏi: “AEC và TPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Nông dân Việt Nam rất mong muốn nắm bắt cơ hội này. Xin Bộ trưởng tư vấn cho hàng chục triệu nông dân Việt Nam biết nên trồng cây gì, nuôi con gì để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể hội nhập đi vào AEC và TPP thành công?”.
Điều mà vị đại biểu này quan tâm cũng là dù AEC và TPP chưa có hiệu lực, mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt trước việc mía đường không cạnh tranh được, gạo chất lượng cao của Thái Lan và Camphuchia, trái cây của Thái Lan được bày bán ngày càng nhiều trên thị trường. Thịt gà Mỹ, thịt bò Úc được nhập khẩu ngày càng nhiều và được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn.











“Tất cả đang gây áp lực lớn lên nền nông nghiệp Việt Nam. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam có bị thua trên sân nhà hay không. Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp chúng ta không bị thua trên sân nhà”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đặt câu hỏi.
Đây thực tế cũng là câu hỏi mà lâu nay, dư luận rất sốt ruột. Bởi trên thực tế, nhiều quan điểm cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị thua thiệt nhiều nhất khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế toàn cầu.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đã ở giai đoạn sản xuất đáp ứng vượt xa nhu cầu tiêu dùng ở trong nước, kể cả lương thực, thực phẩm, trong điều kiện mỗi năm tăng thêm 1 triệu người.
Chính vì thế, bây giờ thị trường là yếu tố sống còn đối với nông nghiệp. Việc chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, ký hàng loạt hiệp định tự do hóa thương mại sẽ tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, có cơ hội tiếp cận nhiều hơn thị trường của các đối tác.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để phát huy được những cơ hội đó thì phải có sản phẩm có khả năng cạnh tranh mạnh. Trong khi đó, chúng ta lại có những sản phẩm có khả năng cạnh tranh yếu như mía đường, như một số sản phẩm chăn nuôi.
“70% sản phẩm chăn nuôi của nước ta là do các hộ gia đình nông dân rất nhỏ sản xuất, trong khi cả nước Mỹ chỉ có 40 công ty và 29.500 hộ chăn nuôi, nuôi một năm 9 tỷ con gà. Chúng ta 8 triệu hộ nông dân nuôi một năm 320 triệu con gà, mỗi hộ rất ít, nên năng suất, chất lượng thì thấp mà giá thành thì cao. Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể để ngành chăn nuôi của chúng ta thất bại trên sân nhà, vì đây là cuộc sống của người dân, của hàng triệu hộ nông dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Giải pháp, tựu trung lại là phải tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ứng dụng khoa học - kỹ thuật để sản xuất ra các loại nông sản, kể cả những nông sản đang yếu thế cạnh tranh cũng cần phải tập trung nhiều hơn để hỗ trợ nhân dân.
“Phải hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ để có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mặt khác, tạo điều kiện để cho các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp đạt trình độ của các đối tác”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, không dễ để thực hiện các giải pháp này. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhưng tiến trình còn chậm trễ.
Nguy cơ thua trên sân nhà vẫn luôn được dư luận và các chuyên gia trong ngành nhắc tới.
Hà Nguyễn

Theo baodautu.vn