Góc nhìn từ Thung lũng Silicon
Là thị trưởng TP. San Jose (Bang California, Hoa Kỳ) từ năm 1999, ông Ron Gonzales được đánh giá là người có công lớn để “Thung lung Silicon” phát triển mạnh như ngày nay.
Vì vậy, việc ông có mặt trong đoàn 20 doanh nghiệp Hoa Kỳ tham dự Hội nghị quốc tế thường niên khu công nghệ cao lần thứ 3 được tổ chức trong tuần qua, cũng như tham dự lễ khởi công Dự án Sài Gòn Silicon City, có thể nói là một tin đáng quan tâm, nhất là khi ông này đang nói đến nhiều về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp hoạt động tại Thung lũng Silicon.






Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Thung lũng Silicon đang quan tâm đến Dự án Sài Gòn Silicon City



Theo nhận định của cựu thị trưởng TP. San Jose Ron Gonzalses, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có tiềm năng và nhiều thuận lợi trong thu hút các dự án công nghệ cao. Theo thống kê, trong 21 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Bang California trong năm 2014 thì có 1,2 tỷ USD là sang thị trường Việt Nam.
“Chỉ cần dự án của các bạn khả thi, có tính thuyết phục thì tôi tin là các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư ”, ông Ron Gonzales nói.
Không chỉ nói, ông dẫn chứng luôn bằng chuyến đi mà ông và nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã sắp xếp khá lâu để sang Việt Nam dịp này.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, số dự án của Hoa Kỳ cấp tập “cập bến” SHTP. Đơn cử, Dự án trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) do Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) thuộc Đại học Harvard có tổng mức đầu tư giai đoạn đầu là 70 triệu USD, dự kiến được xây dựng trên diện tích 15 ha. Tập đoàn Jabil cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tăng vốn thêm 500 triệu USD để mở rộng sản xuất. Nhà máy của Jabil tại SHTP chuyên sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông ứng dụng... với vốn đăng ký 150 triệu USD, diện tích sử dụng đất là 5 ha. Jabil đang thực hiện các thủ tục và việc cấp phép cho dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Trở lại câu chuyện của Dự án Sài Gòn Silicon City vừa được khởi công xây dựng, dù đăng ký có nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước, nhưng thực tế thì hướng thu hút đầu tư sẽ là doanh nghiệp của Hoa Kỳ hoặc doanh nghiệp do Việt kiều làm chủ đang hoạt động tại Thung lũng Silicon khá rõ nét.
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon, Dự án được xây dựng trên diện tích 52 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD và khi hoàn thành sẽ trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động tại Thung lũng Silicon về đầu tư, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghệ cao.
Bản thân ông Hiếu cũng là một Việt kiều đang có dự án tại Thung lũng Silicon. Bởi vậy, hướng đi ông đặt ra cho dự án tại SHTP là một mô hình chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao từ các công ty đến từ Thung lũng Silicon là một lợi thế. Bởi, Dự án không chỉ đơn thuần về gia công sản phẩm công nghệ mà có sự kết hợp giữa R&D và ứng dụng, trực tiếp sản xuất ra công nghệ hay sản phẩm tương ứng.
“Sau khi Dự án được cấp phép hồi cuối tháng 4 vừa rồi tại SHTP, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Thung lũng Silicon đã bày tỏ ý định đầu tư về Việt Nam. Dự kiến, sẽ có hơn 20 nhà đầu tư sẽ rót số vốn khoảng 1,5 tỷ USD vào các dự án tại Sài Gòn Silicon City', ông Hiếu cho biết thêm.
Kinh nghiệm thu hút dự án công nghệ cao
Xu hướng FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đang gia tăng. Tuy nhiên, không phải dễ để điều chỉnh dòng vốn này. Thậm chí, sự thành công của Thung lũng Silicon không phải là mô hình tốt nhất.
Ông Ron Gonzales đã thẳng thắn trao đổi tại Hội nghị quốc tế thường niên khu công nghệ cao lần thứ 3 rằng, không nên sao chép nguyên bản mô hình Thung lũng Silicon, mà phải sáng tạo, tìm ra cách làm phù hợp với Việt Nam.
“Muốn thu hút dòng vốn vào công nghệ cao, các bạn cần quan tâm đến 4 nguồn lực. Đó là, quỹ đất, nguồn nhân lực đã qua đào tạo, chính sách thu hút nhà đầu tư và ươm mầm doanh nghiệp. Trong đó, một vấn đề rất quan trọng là phải có các doanh nghiệp dám mạo hiểm, thậm chí là chấp nhận rủi ro khi tiếp nhận và nuôi dưỡng cho các ý tưởng “điên khùng”, bởi chỉ có như vậy mới có thể tạo sự khác biệt”, ông Ron Gonzales khuyến nghị.
TP.HCM có lẽ hội tụ nhiều thuận lợi hơn cả về các nguồn lực này. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng, giá trị của một khu công nghệ cao nằm ở chuỗi giá trị đem lại mà các DN có thể tham gia.
“Chiến lược xây dựng SHTP xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI để vừa phát triển, vừa bồi dưỡng nhân lực. Đến nay, SHTP đang chuyển đổi sang giai đoạn thúc đẩy sự giao thoa đa chiều giữa công nghệ và thương mại, giúp lan tỏa giá trị công nghệ ra các ngành khác”, ông nói.
Bởi vậy, tại SHTP, ngoài sự thành công của doanh nghiệp FDI thì các doanh nghiệp Việt như Nanogen, United Healthcare… đã nắm được bí quyết công nghệ, do đó có thể quyết định được vai trò sản xuất, phân phối, được quyền quyết định sản xuất và lựa chọn những phân khúc, những thành phần có giá trị cao nhất trong toàn chuỗi giá trị để đầu tư có trọng điểm tạo ra sự thành công.
Nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư cho biết, sau khi dự án 1,4 tỷ USD của Tập đoàn Samsung được khởi công tại SHTP giữa năm nay, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu các cơ hội, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung.
“Khả năng là trong tháng này, SHTP sẽ cấp phép cho một dự án có vốn đầu tư hơn 70 triệu USD nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung”, nguồn tin nói và cho biết, dự án này chuyên sản xuất các linh kiện nhựa phục vụ cho nhu cầu sản xuất các sản phẩm điện tử, gia dụng cho nhà máy của Tập đoàn Samsung tại SHTP.
Hồng Sơn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: