HanesBrands, một trong những tập đoàn may mặc nổi tiếng của Mỹ, mới đây đã quyết định tăng cường đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mở rộng hoạt động các nhà máy may mặc hiện tại. Cụ thể, cuối năm nay, vốn đầu tư của HanesBrands (NYSE: HBI) tại Việt Nam sẽ nâng lên 55 triệu USD, thay vì 44 triệu USD hiện tại.
Việc HanesBrands tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn về việc đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư quan trọng trong bản đồ sản xuất toàn cầu của Tập đoàn, sau khi đã có 3 nhà máy đặt tại tại 2 huyện Khoái Châu và Kim Động (tỉnh Hưng Yên) và Phú Bài (Huế).






Việc nhập khẩu nguyên liệu quá lớn đang đe dọa làm mất cơ hội giảm thuế quan đối hàng dệt may xuất sang các nước TPP. Ảnh: Đ.T



Việc mở rộng đầu tư này cũng được cho là xuất phát từ việc Việt Nam sẽ tham gia TPP trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm may mặc phức tạp hơn cùng các công nghệ tiên tiến trong các năm tiếp theo để hỗ trợ cho sự phát triển của HanesBrands Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là khi Việt Nam chuẩn bị tham gia TPP”, ông Ajay Godbole, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Tập đoàn HanesBrands cũng đã không giấu giếm tham vọng của mình.
Tương tự như HanesBrands, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đổ tới Việt Nam để xây dựng nhà máy may mặc nhằm đón đầu cơ hội do TPP mang lại. Chẳng hạn, các dự án của Hyosung Hàn Quốc, với vốn đầu tư 660 triệu USD, tại Đồng Nai; của Luthai Textile Hồng Kông tại Tây Ninh, với vốn đầu tư 170 triệu USD; hay Dự án sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polysester của Far Eastern (Đài Loan) tại Bình Dương; dự án của Panko Hàn Quốc, 70 triệu USD; dự án của Tập đoàn Hirdaramani (Sri Lanka), 50 triệu USD tại tỉnh Quảng Nam…
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn luôn được đặt ra, đó là liệu Việt Nam có thực sự được hưởng lợi từ các cam kết TPP không, hay cơ hội giảm thuế đối với lĩnh vực dệt may sẽ trở nên vô nghĩa?
Tại phiên chất vấn tại Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đã lại một lần nữa nhắc đến vấn đề này, bởi nguyên tắc từ sợi trong cam kết TPP đòi hỏi các sản phẩm may mặc xuất khẩu từ Việt Nam phải sử dụng nguồn nguyên phụ liệu trong nước, hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối. Trong khi đó, ngành may mặc Việt Nam chủ yếu là gia công, nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ các nước ngoài khối TPP, trong đó phần lớn từ Trung Quốc.
“Chúng ta vẫn bị lệ thuộc và cơ hội giảm thuế có thể trở nên vô nghĩa”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nói và cũng đã nhắc đến việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã xây nhà máy nguyên phụ liệu ở Việt Nam, nhưng như thế thì Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu ngay trên sân nhà.
Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi kiên trì đàm phán, thuyết phục các đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ, các thành viên TPP đã chấp nhận chỉ thực hiện nguyên tắc từ sợi đối với một số sản phẩm dệt may ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đối với một số hàng hóa dệt may khác thì có thể được chấp nhận một thời gian duy trì tình hình như hiện nay.
“Nghĩa là, Việt Nam chưa sản xuất được thì có thể nhập khẩu từ các nước, kể cả ngoài TPP, và vẫn được hưởng ưu đãi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói và cho biết, Việt Nam đã giữ được 184/186 chủng loại hàng hóa dệt may không phải áp dụng nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi.
Nhìn về số lượng thì như vậy, song theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tổng kim ngạch xuất khẩu của 184 mặt hàng chưa phải áp dụng nguyên tắc từ sợi trong năm 2014 chỉ chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Nghĩa là, 85% còn lại, để được hưởng ưu đãi theo cam kết TPP, vẫn phải sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các quốc gia thành viên TPP.
“Đây là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất tại Việt Nam lên, hay nói cách khác là tăng cường công nghiệp hỗ trợ. Nếu cứ nhập khẩu mãi thì chắc chắn, ngành dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục ở tình trạng gia công và lấy công làm lãi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Số liệu thống kê cho thấy, trong suốt 5 năm đàm phán TPP, ngành dệt may đã tự đầu tư nhiều dự án sản xuất nguyên phụ liệu. Chỉ tính riêng trong thời gian từ năm 2013 đến cuối năm 2014 đã thu hút được khoảng 3 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
“Với xu hướng như vậy, dự kiến đến năm 2018, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, tỷ trọng của dệt may xuất khẩu vào các nước TPP có xuất xứ vải từ Việt Nam sẽ chiếm khoảng 60%”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói và cho biết, hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã lên tới 50%, cao hơn nhiều so với con số 20% của cách đây 10 năm. Chính vì thế, ngành dệt may phải cố gắng tận dụng cơ hội này để tranh thủ đầu tư vào khâu vải, nhất là dệt thoi, nhằm hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan theo cam kết TPP.
“Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà chúng ta cũng cần tranh thủ kêu gọi đầu tư nước ngoài. Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ cũng được coi như là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Tuy vậy, liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã lên tiếng cảnh báo việc các dự án đầu tư nước ngoài hiện tại trong lĩnh vực dệt may phần lớn không đến từ các nước có mặt bằng công nghệ cao, nhất là công nghệ dệt may. Do vậy, việc giám sát thiết bị, công nghệ nhập khẩu trong các dự án sản xuất sản phẩm dệt may cần được đặt ra để hạn chế việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng sang Việt Nam.
Hà Nguyễn

Theo baodautu.vn