Chào các bạn, ngày thường các bạn hay nghe nhạc chứ? Thể loại nhạc bạn hay nghe là gì và bạn thường dành bao nhiêu thời gian trong ngày để nghe nhạc nhỉ?

Nào hãy ngưng lại một phút và nhớ lại chắc chắn rồi trả lời câu hỏi của mình nhé^^

Các bạn thắc mắc tại sao mình lại hỏi vậy đúng không? Bởi vì đó chính là kinh nghiệm đạt điểm cao TOEIC của mình đó. Đúng vậy, hãy luyện nghe toeic thật nhiều nhé

Tại sao lại nghe thật nhiều

Với bản thân mình, mình là một đứa rất thích nghe nhạc. Và mình nghe tất cả các thể loại âm nhạc, nhất là K-pop. Bởi mình là một fan to bự của CnBlue. Hầu như không có bài hát nào của K-pop mới ra là mình chưa nghe. Mình cũng nhận thấy mọi người xung quanh cũng rất hay nghe nhạc. Thậm chí có những người cắm headphone cả ngày. Và những bài hát cứ in sâu trong đầu từ giai điệu đến lời hát. Nghe nhạc nhiều còn giúp mình cảm thấy thư thái, xả stress rất nhiều.

Hơn nữa, khoa học đã chứng minh nghe nhiều giúp bạn tập trung và ghi nhớ tốt hơn.

Do đó, đến khi học tiếng anh, đặc biệt là việc ôn thi TOEIC. Thì việc học listening để chuẩn bị cho bài thi là không thể thiếu. Sau đó, mình đã suy nghĩ nghiêm túc lại bản thân. Rằng mình thích gì, hợp gì,… Rồi mình nhận ra mình là một fan to bự của âm nhạc hay sao? chẳng phải mình luôn thích nghe nhạc, mình có thể nghe, nghe, và nghe mọi lúc mọi nơi và nhớ hàng trăm bài hát đó sao?

Vậy tại sao mình lại không bắt đầu từ việc nghe nhỉ? Hàng ngày mình tốn không ít thời gian cho việc nghe những bài hát của các “oppa”. Vậy thì tại sao mình không thử thay đổi? Thay vì nghe nhạc Hàn Quốc, mình có thể chuyển qua nghe nhạc Âu Mỹ, có khi có thể là những bài luyện nghe ngay trên lớp nhỉ? Lúc đầu mình cũng không dám chắc là nó sẽ có tác dụng. Nhưng sau đó, việc nghe nhiều, nghe hoài nó như ngấm sâu vào “máu” của mình. Mình có thể nghe đi nghe lại một bài luyện nghe hàng chục lần. Và có những bài đơn giản, mình còn có thể thuộc luôn nó.

Bên cạnh đó, trong bài thi TOEIC, phần nghe lại rất quan trọng. Thậm chí là phần giúp bạn dễ dàng ăn điểm. Do vậy, việc nghe tốt là một lợi ích vô cùng lớn trong bài thi TOEIC của bạn đó.

2. Những sai lầm thường gặp khi luyện nghe tiếng anh
Tuy nhiên không phải ai luyện nghe nhiều cũng có thể thành công trong bài thi TOEIC. Đọc đến đây các bạn sẽ thấy có điều gì mâu thuẫn đúng không? Bởi vì việc nghe nhiều, nhưng nghe không hiệu quả thì cũng là một vấn đề rất lớn. Ngay cả bản thân mình thời gian đầu cũng gặp phải sai lầm này. Và sau đó mình đã rút được một số nguyên nhân tại sao “nghe nhiều mà không tiêu” như sau:

Thứ nhất, bạn nghe mà không biết mình đang nghe cái gì. Điều này thường xuyên xảy ra, nhất là khi bạn mới học tiếng Anh hoặc vốn từ vựng quá ít.

Thứ hai, bạn nghe một nội dung quá ít lần. Chẳng hạn, hôm nay bạn luyện nghe và nghe được 1 từ mới là “money”. Nhưng trong 3 tháng sau đó, bạn không nghe thấy từ “money” được nói đến thêm bất kỳ lần nào. Lúc này, khi nghe thấy từ “money”, bạn sẽ thấy quen quen nhưng không hiểu được “money” nghĩa là gì. Đó là vì bạn nghe 1 từ mới quá ít lần trong thời gian ngắn, nên bộ não không ghi nhớ lâu được.

Thứ ba, bạn phát âm sai nên nghe không hiểu. Ví dụ với tiếng Việt cho dễ hình dung nhé: bạn biết cái tủ lạnh được viết là “cái tủ lạnh”, thế nhưng bạn lại đọc là “Cái hủ chạnh”. Khi đó, trong não bạn chỉ hình dung ra hình cảnh cái tủ lạnh khi nghe người khác nói “cái hủ chạnh”. Còn khi người khác nói “cái tủ lạnh” thì não bạn không hiểu người ta đang nói cái gì, dẫn đến bạn không nghe được.
Với mình, đó là ba nguyên nhân chủ yếu khiến mình không thể nào “bắt nhịp” được với việc nghe hàng ngày để có thể luyện nghe tốt hơn trong các bài test. Do đó mình đã tìm ngay một chiến thuật khác để “cứu vãn” bản thân.

3. Nghe như thế nào cho hiệu quả
Bắt đầu với những phần nghe mà bạn đã biết trước nội dung với từ vựng đơn giản
Bạn có thể dễ dàng tìm được các bài nói tiếng Anh có sẵn text nội dung. Có thể là trên các diễn đàn, website học tiếng Anh hay thậm chí trong các cuốn sách tiếng Anh bạn học ở trường có kèm đĩa.

Nên bắt đầu với những bài nghe ngắn có nội dung chỉ dài khoảng ½ trang A4. Với những cấu trúc câu và từ vựng quen thuộc mà bạn đã biết.

Thử nghe qua một lần trước khi đọc text. Và cố gắng nhận ra những từ vựng hay cấu trúc bạn đã biết. Nếu không nghe ra được nhiều cũng đừng lo! Có thể cách bạn đọc những từ quen thuộc đó khác với cách bài nói đọc nên bạn không nhận ra được chúng.

Đọc hiểu bài text, chú ý vị trí những từ và cấu trúc câu quen thuộc với bạn.

Khi đảm bảo bạn đã nắm được phần lớn nội dung bài nói hãy nghe lại lần thứ 2. Lần này tập trung nghe xem họ phát âm những từ và câu bạn đã biết trong bài text đó như thế nào. Và ghi nhớ cách đọc đúng những từ và câu đó.

Nghe những thứ gần với cuộc sống của bạn hay những chủ đề mà bạn quan tâm
Khi đã tự tin với một vốn khả năng nghe và phát âm đúng. Bạn hãy quan tâm đến những bản tin tức tiếng Anh ngắn, những bài phát biểu, những đoạn tự giới thiệu, những đoạn giao tiếp hay hướng dẫn thực hiện một sản phẩm nào đó… Trên internet hoặc TV liên quan đến các chủ đề gần gũi và khiến bạn thấy hứng thú.

Nếu chúng có phụ đề thì thật tốt, không cũng không sao. Quan trọng là bạn biết đoạn video đó đang nói về chủ đề gì. Nội dung của nó có có ích cho bạn hay không. Chắc chắn bạn sẽ có động lực và hứng thú hơn để nghe hiểu những nội dung mà bạn tin là hữu ích với bạn.

Những clip ngắn khoảng 15 đến 30 phút mà bạn có thể thấy được trực tiếp người đang nói là tốt nhất. Vì cách họ biểu cảm trên mặt và sử dụng body language (ngôn ngữ hình thể) sẽ giúp nhiều cho bạn trong việc đoán hiểu điều họ nói.

Nghe những bài hát có sẵn lời và cố gắng thuộc chúng
Âm nhạc và các giai điệu luôn có khả năng kì diệu khơi gợi mọi nguồn cảm hứng và cảm xúc của chúng ta một cách tuyệt vời. Theo kinh nghiệm của mình thì luyện nghe tiếng Anh qua các bài hát luôn là một cách rất dễ chịu.

Nếu bạn luôn thích nghe nhạc, việc tìm lyrics (lời bài hát) của những bài hát bạn yêu thích để đọc hiểu ý nghĩa và học thuộc lời là rất tốt. Bạn có thể học được thêm được vài từ vựng mới trong quá trình dịch hiểu lyrics như vậy.

Sau khi đọc hiểu lyrics, nghe lại bài hát và thử hát dò theo lyrics vài lần, chú ý cách phát âm và cách hát của ca sĩ. Giỏi bắt chước sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng nghe nhanh chóng đó.