Theo lộ trình, các ngân hàng thương mại nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 1/2/2015). Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng vẫn chưa hiện được quy định này, vì thế, thời điểm này, cuộc đua thoái vốn bắt đầu “nóng” dần.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) thông báo về việc thoái vốn cổ phần đầu tư tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) thông qua đấu giá.


Nhiều ngân hàng chưa thực hiện được quy định về giảm sở hữu chéo tại tổ chức tín dụng theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN.


Theo đó, tại Văn bản số 6336/TGĐ-NHCT44, VietinBank cho biết, sẽ chào bán đấu giá 16,875 triệu cổ phần, tương ứng 5,48% vốn điều lệ Saigonbank để giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,39% xuống 4,91% (15,122 triệu cổ phần). VietinBank lý giải quyết định của mình là để đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài VietinBank, Saigonbank còn có nhiều cổ đông là các ngân hàng thương mại buộc phải thoái vốn theo quy định trên. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những cổ đông lớn của Saigonbank, với tỷ lệ nắm giữ 4,37%.
Vietcombank đứng đầu danh sách các ngân hàng đang nắm giữ cổ phần tại ngân hàng khác trên 5% khi vẫn nắm quyền chi phối tại 4 tổ chức tín dụng khác và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank đang nắm hơn 7,16% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB); 8,19% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank); 5,07% vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), 4,37% vốn tại Saigonbank và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.
Vì thế, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Vietcombank vừa diễn ra trong tháng 4/2016, câu chuyện thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã được các cổ đông của Ngân hàng chất vấn HĐQT khá nhiều về thời gian cũng như lộ trình thoái vốn, về việc sẽ “buông” ngân hàng nào và giữ ngân hàng nào.
Chủ tịch Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cho phép Ngân hàng giữ nguyên tỷ lệ này tại MBB, do ngân hàng này hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Vietcombank cũng sẽ xem xét để chỉ giữ lại cổ phần ở 2 tổ chức tín dụng khác, nhưng tùy vào diễn biến của thị trường, giá cổ phiếu và kế hoạch kinh doanh của mỗi ngân hàng.
Trong số 4 tổ chức tín dụng mà Vietcombank đang nắm giữ cổ phần, Vietcombank từng có ý định sẽ sáp nhập thêm Saigonbank. Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành và tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, HĐQT Saigonbank đã không trình cổ đông vấn đề sáp nhập với Vietcombank, do cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy (UBND TP.HCM) chưa có ý định sáp nhập.
Hiện nay, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Nếu kế hoạch này thành công, khả năng Vietcombank và một số cổ đông lớn khác của Saigonbank như VietinBank sẽ thoát án “vượt rào” sở hữu tại tổ chức tài chính khác.
Mặc dù đã nỗ lực lớn trong năm qua, nhưng một số ngân hàng cũng chưa tuân thủ được quy định nói trên tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Eximbank cũng cho biết, chưa thoái được khoản vốn đầu tư hơn 8% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo quy định và sẽ tiến hành thực hiện khi điều kiện thị trường cho phép.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính, Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM) cho rằng, các ngân hàng cũng muốn thoái vốn để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, nhưng chưa thể làm được, do thị trường còn khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng giảm dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, hoạt động ngân hàng còn phải đối mặt với 2 vấn đề là nợ xấu và áp lực từ các đợt thoái vốn của công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn