Mặc dù Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của Eximbank đã thông qua số lượng thành viên HĐQT là 11, với tỷ lệ thông qua Nghị quyết đạt hơn 90%, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 lần 1 (ngày 29/4), HĐQT Eximbank lại đặt ra vấn đề số lượng thành viên HĐQT là 9 hoặc 11. Đó chính là mấu chốt dẫn đến sự bất bình của hai nhóm cổ đông nắm tỷ lệ chi phối trên 20% tại Eximbank.
Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết, HĐQT ngân hàng này đã nhận được hồ sơ đề cử nhân sự ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 của 2 nhóm cổ đông lớn. Đó là bà Nguyễn Thị Xuân Loan, đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 11,82% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và ông Phạm Hữu Phương, đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 10,42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.


.


Hai nhóm cổ đông trên đã yêu cầu HĐQT Eximbank đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Mặc dù đến cuối tháng 4/2016, nhóm cổ đông do bà Loan làm đại diện mới hoàn tất thủ tục pháp lý để thực hiện quyền đại diện cho nhóm cổ đông, nhưng HĐQT vẫn tổ chức họp ngay khi nhận được yêu cầu.
Theo ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank, trong các phiên họp HĐQT, với tinh thần trách nhiệm, HĐQT Eximbank đã cân nhắc và thống nhất, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới. Tuy nhiên, vì tôn trọng quyền của nhóm cổ đông và nhận thức rằng, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất, nên HĐQT đưa nội dung thảo luận kiến nghị của 2 nhóm cổ đông nói trên vào dự kiến chương trình và nội dung họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ hai được tổ chức sáng 24/5/2016.
Thế nhưng, khi kết quả kiểm phiếu của các tờ trình chưa được hoàn tất, Đại hội đồng cổ đông Eximbank kéo dài đến 13h30 chiều 24/5 buộc phải kết thúc do phải trả hội trường. Trong khi đó, đa số cổ đông không đồng ý niêm yết thùng phiếu theo đề nghị mà HĐQT Eximbank đưa ra, nên Eximbank đành phải hủy cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 2.
Diễn biến tại 2 cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Eximbank cho thấy, bài toán về nhân sự cấp cao tại ngân hàng này ngày một nóng, kể cả khi Ngân hàng đã có Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc mới. Trước đó, sau khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank và ông Phạm Hữu Phú, nguyên Tổng giám đốc Eximbank rời ghế vào cuối năm 2015, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank ngày 15/12/2015 đã bầu HĐQT mới giai đoạn 2015-2020 do ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập trúng cử vào ghế Chủ tịch HĐQT.
Thế nhưng, hai nhóm cổ đông nắm giữ hơn 20% vốn điều lệ tại Eximbank chưa được tham gia HĐQT của Ngân hàng chính là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn khó có thể dung hòa. Thậm chí, còn xuất hiện thông tin có tình trạng “mua phiếu bầu” và “gom” quyền biểu quyết trước ngày Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 2 của Eximbank diễn ra.
Các cổ đông cũng chia sẻ quan ngại về việc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) sẽ thâu tóm Eximbank như thông tin xuất hiện trên thị trường thời gian qua. Sự quan ngại này dựa trên cơ sở bà Nguyễn Thị Xuân Loan, đại diện cho nhóm cổ đông trên 10% vốn cổ phần Eximbank từng là Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, em gái ông Nguyễn Quốc Toàn, người vừa trở lại nắm quyền ghế “nóng” trong HĐQT Nam A Bank.
Được biết, Eximbank dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT theo quy định. Theo đó, Eximbank dự kiến nhận hồ sơ đề cử từ ngày 17/6/2016 đến hết ngày 30/6/2016. HĐQT Eximbank sẽ tiếp tục xem xét chi tiết lộ trình chính thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 ngay sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 thông qua số lượng thành viên HĐQT bầu bổ sung. Ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến là 4/8/2016, song HĐQT vẫn chưa cho biết lịch cụ thể.
Vân Linh

Theo baodautu.vn