Vocarimex có đang bán đắt nguyên liệu cho TAC?


Trong các nội dung trình ĐHCĐ thông qua, đáng chú ý nhất vẫn là nội dung liên quan đến việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, trong đó, cổ đông lớn Vocarimex (sở hữu hơn 51% vốn TAC) đề cử ứng viên tham gia HĐQT TAC nhiệm kỳ này. Do đó, kỳ ĐHCĐ lần này của TAC được dự báo sẽ lại “nóng”, bởi những vấn đề liên quan tới Vocarimex từ các lần họp trước vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Còn nhớ, tại ĐHCĐ thường niên 2015 lần 1, cổ đông TAC đã phủ quyết nhiều tờ trình quan trọng như kế hoạch sản xuất kinh doanh, cổ tức, phân phối lợi nhuận, thù lao năm 2014 và 2015 của HĐQT và Ban Kiểm soát Công ty. Nguyên nhân xuất phát từ kế hoạch của TAC không có sự tăng trưởng qua các năm và những chất vấn của cổ đông xoay quanh câu chuyện nhập nguyên liệu của TAC.
Cụ thể, theo tờ trình ban đầu, HĐQT đưa kế hoạch kinh doanh 2015 với doanh thu 4.320 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 20% so với thực hiện năm 2014; cổ tức dự kiến 16%. Như vậy, trong 5 năm liên tục (từ 2011-2015), kế hoạch lợi nhuận và cổ tức mà HĐQT TAC trình cổ đông không hề thay đổi, trong khi kết quả hàng năm thường vượt kế hoạch đề ra.
Cũng như các lần giải trình trước đó về việc kế hoạch năm nay thấp hơn thực hiện năm trước, đại diện TAC cho biết, vẫn là do cạnh tranh gay gắt và thuế nhập khẩu dầu ăn giảm xuống 0%, khiến khách hàng nhập khẩu trực tiếp thay vì mua từ TAC.
ĐHCĐ thường niên lần 2 sau đó diễn ra thành công khi kế hoạch lợi nhuận và cổ tức được điều chỉnh, trong đó, doanh thu vẫn là 4.320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng lên 60 tỷ đồng; cổ tức 2015 vẫn là 16%, nhưng tăng cổ tức 2014 từ 16% lên 23%. Năm 2016, HĐQT TAC dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu 3.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, cổ tức tiếp tục là 16%.
Trên thị trường dầu ăn, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn khi lộ trình thuế nhập khẩu dầu tinh luyện giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2015 giảm 3%, năm 2016 giảm 2% và năm 2017 về mức 0%. Tuy nhiên, trong kế hoạch trình cổ đông của TAC, dường như chưa thấy rõ được chiến lược cụ thể, chi tiết để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh này.
Báo cáo vào cuối năm 2015 của Công ty Nghiên cứu thị trường W&S cho biết, ba nhãn hiệu dẫn đầu tại thị trường dầu ăn Việt Nam là Tường An, Simply và Neptune (Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân). Nếu trước kia Neptune dẫn đầu thị trường dầu ăn với 36,5% thị phần, thì nay là Simply với 35,3% thị phần. Trong khi đó, 30% người tiêu dùng sử dụng Tường An vẫn trung thành với nhãn hiệu dầu ăn này. Tuy nhiên, dù nằm trong Top 3, nhưng con số lợi nhuận tuyệt đối của TAC so với Cái Lân lại có sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể, Cái Lân (sở hữu nhãn hiệu Simply, Neptune, Meizan) đạt doanh thu gần 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.223 tỷ đồng, gấp 14 lần so với TAC.
Theo nhiều nhận định, lợi thế lớn của Cái Lân chính là có thể nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu từ công ty mẹ Wilmar, tập đoàn sản xuất dầu thực vật lớn nhất thế giới. Theo đó, nguồn nguyên liệu của Cái Lân sẽ có giá cạnh tranh hơn thay vì thông qua các đại lý trung gian, đồng thời chất lượng được đảm bảo một cách đồng đều, ổn định.
Còn tại TAC, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex, cũng là nhà cung cấp nguyên liệu lớn nhất của TAC, song Vocarimex không tự sản xuất ra nguyên liệu, mà lại nhập từ nước ngoài, rồi về bán lại cho TAC. Điều này khiến các cổ đông thắc mắc, chi phí nguyên liệu của TAC có thể sẽ bị đẩy lên cao so với mua trực tiếp.
Dù lãnh đạo TAC đã giải thích rằng, các công ty dầu ăn trong nước hiện nay phần lớn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (gần 90% từ các nước Đông Nam Á) do Việt Nam không có được khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng nguyên liệu, và TAC mua nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp khác nhau với giá cạnh tranh, tuy nhiên, điều này chưa thể thỏa mãn thắc mắc của cổ đông. Đặc biệt, khi cổ đông chất vấn tiếp về việc mua nguyên liệu từ Vocarimex chiếm tỷ lệ bao nhiêu, giá mua thế nào, mua vào thời điểm nào thì HĐQT TAC chỉ có câu trả lời chung chung như vẫn theo cơ chế cạnh tranh từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, thời điểm mua theo chiến lược kinh doanh khi TAC nhận thấy thích hợp.
Điểm qua Vocarimex, vừa sở hữu chi phối tại TAC, vừa sở hữu 24% tại Cái Lân và sở hữu tại nhiều công ty liên kết khác như Golden Hope Nhà bè, Nakydaco... thì việc mỗi thành viên này có kết quả kinh doanh tốt sẽ đều đóng góp vào kết quả chung của Vocarimex. Trong khi đó, do TAC vẫn là nhãn hiệu có thị phần lớn trên thị trường dầu ăn, cộng thêm động thái đưa thêm người vào HĐQT của TAC cho thấy, khả năng Vocarimex rút lui trong việc cung cấp nguyên liệu cho TAC là điều khó xảy ra. Vì thế, những câu hỏi liên quan đến Vocarimex sẽ lại làm nóng kỳ ĐHCĐ năm nay của TAC.
Nhã An (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn