Theo AFP, trong thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay do một công ty Đức thực hiện này, Bayer cho biết đã đưa ra giá 122 USD một cổ phiếu cho Monsanto, tức là tổng cộng 62 tỷ USD.
Động thái này có nguy cơ làm xấu đi quan hệ với công chúng của Bayer, nhất là ở Đức, nơi những nghi hoặc về cây trồng biến đổi gen cũng như cấp bằng sáng chế cho những loại cây này vẫn còn rất cao, song song với những tranh cãi về ảnh hưởng đến sức khỏe con người của glyphosate, một loại thuốc trừ sâu mà Monsato sản xuất và bán ra thị trường với cái tên Roundup.
Bayer tin rằng "sự hợp nhất với Monsanto là một cơ hội tuyệt vời để tạo ra công ty hàng đầu thế giới trong ngành nông nghiệp. Monsanto là đối tác hoàn hảo cho hoạt động kinh doanh nông nghiệp của chúng tôi."
Công ty Đức cho biết dự kiến việc sáp nhập này sẽ đẩy mạnh doanh thu lên khoảng 1,5 tỷ USD sau ba năm.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Monsanto cho biết đã nhận được một đề nghị tự nguyện từ phía Bayer sau nhiều tuần có những dự đoán về một sự hợp tác giữa hai bên. Hiện Monsanto vẫn chưa chính thức đáp lại lời đề nghị mới nhất này.
Cổ phiếu của Bayer, vốn đã giảm giá hồi tuần trước sau những tin tức về đề xuất sáp nhập đã lại giảm thêm 2,5% xuống còn khoảng 87 euro vào giữa buổi sáng nay ở Frankfurt, do các nhà đầu tư cho rằng công ty đã đưa ra cái giá quá lớn để mua lại Monsanto.
Theo Wall Street Journal, nếu sáp nhập, hai công ty sẽ chiếm khoảng 28% doanh số bán thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ toàn cầu.
Một vụ “siêu sáp nhập” như thế này có thể làm dấy lên những câu hỏi về khả năng thống trị thị trường của công ty mới.
Trong tuyên bố của mình, Bayer nói rằng công ty "thường xuyên hợp tác thành công với các cơ quan toàn cầu để bảo đảm việc phê duyệt các quy định cần thiết."
Theo Bayer, cuộc "hôn nhân" giữa hai doanh nghiệp sẽ "giúp mở rộng đáng kể sự hiện diện lâu dài của Bayer ở châu Mỹ và vị thế của công ty tại châu Âu cũng như châu Á Thái Bình Dương. Khách hàng của cả hai công ty sẽ hưởng lợi từ danh mục sản phẩm được mở rộng và nghiên cứu phát triển quảng cáo có chiều sâu."
Giá cả các mặt hàng nông nghiệp ở mức thấp - nguyên nhân khiến nông dân cắt giảm đơn đặt hàng - đã tăng thêm áp lực lên các nhà cung cấp nông nghiệp như Monsanto.
Hồi tháng 3, công ty Mỹ này đã giảm dự đoán doanh thu cho năm 2016.
Sự trì trệ trong ngành kinh doanh nông nghiệp cũng dẫn đến những thỏa thuận như sự hợp nhất giữa DuPont và Dow Chemical.
Năm ngoái, công ty Syngenta của Thụy Sĩ đã từ chối một đề nghị từ Monsanto, sau đó đồng ý để Tập đoàn Hóa chất Quốc gia của Trung Quốc mua lại với giá 43 tỷ USD.
Năm ngoái, sau khi đấu thầu vào Syngenta không thành công, Monsanto đã tiến hành chương trình tái cấu trúc lớn, tiến tới năm 2018 sẽ cắt giảm 3.600 việc làm, tương đương 16% lực lượng lao động, đóng cửa một số nhà máy và giảm bớt tài sản.
Là một nhà sản xuất hạt giống và thuốc diệt cỏ dùng trong nông nghiệp lớn, Monsanto đã tuyển dụng khoảng 20.000 công nhân và mô tả bản thân là một trong những công ty công nghệ sinh học hàng đầu thế giới.
Tập đoàn Mỹ đã nhiều lần xuất hiện trên các mặt báo ở châu Âu vì chất diệt cỏ glyphosate. Cuối tuần trước, EU đã không đạt được thỏa thuận đồng ý thông qua việc sử dụng lại loại thuốc diệt cỏ nói trên ở châu Âu trước những lo ngại rằng sản phẩm này có thể gây ung thư.
Bayer, với khoảng 117.000 nhân công đã công bố lợi nhuận và doanh số trong năm 2015, với lợi nhuận ròng là 4,1 euro USD trên doanh số bán ra là 46.3 tỷ euro.
Bayer cho biết hiện vẫn còn sớm để ước tính khi nào hai công ty sẽ sáp nhập làm một.
"Nếu đạt được thỏa thuận với Monsanto, Bayer và Monsanto sẽ tiếp tục hoạt động như hai công ty độc lập," Bayer cho hay.
Peter Spengler, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu vốn chủ sở hữu thuộc ngân hàng Z cho biết "về mặt chiến lược và khu vực, Monsanto là một lựa chọn rất phù hợp" với Bayer.
"Hoạt động của Bayer sẽ được thúc đẩy đáng kể và công ty sẽ nắm được cơ hội ngàn năm có một để thống trị thị trường nông nghiệp thế giới".
Mai Nguyễn (Vietnam+)

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: