Trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, cổ tức là một trong những vấn đề được các cổ đông rất quan tâm. Bởi trước diễn biến hiện nay, cổ đông, nhà đầu tư chỉ kỳ vọng vào cổ tức, cho dù ở mức khá khiêm tốn.
So với mùa đại hội đồng cổ đông năm trước, cổ tức năm 2015 được các ngân hàng chia cho cổ đông có phần cao hơn, không ít ngân hàng chia trên mức 10%. Tuy nhiên, khác với năm trước, chính sách chia cổ tức được các nhà băng đưa ra cho năm nay phần lớn bằng cổ phiếu. Các ngân hàng muốn, thông qua việc chia cổ tức này để nâng cao nâng cao lực tài chính, song cổ đông lại mong muốn nhận được tiền mặt.


Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) là các ngân hàng hiếm hoi đưa ra chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt lần lượt ở mức 4,5%, 10% và 4%. Điều này khiến cổ đông của các ngân hàng này hài lòng, bởi trước tình hình hiện nay, để nhận được cổ tức bằng tiền mặt là điều không dễ trong khi, áp lực nâng cao năng lực tài chính đang gia tăng.
Chất vấn tại đại hội đồng cổ đông của một ngân hàng TMCP diễn ra đầu tháng 4/2016, một cổ đông tên Nguyên Thành An cho biết, năm trước ngân hàng chia cổ tức 7% bằng tiền mặt, năm nay chia trên 10%, nhưng cổ đông không mấy hài lòng vì cổ tức được chia bằng cổ phiếu. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho hay, chủ trương của ngân hàng là chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ. Điều này được Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, bởi các ngân hàng cần tăng vốn do đang hướng đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel 2.
Thực tế, trong kỳ đại hội đồng cổ đông năm nay, hầu hết các ngân hàng chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, như Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chia cổ tức ở mức 5%; Ngân hàng Á Châu (ACB) trên 10%; Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13,07%, cùng với việc chia cổ phiếu thưởng 5,69%. Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) cũng đang đợi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu với tỷ lệ 5,3%.
Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cổ đông nào cũng mong muốn nhận cổ tức cao, nhưng hiện nay vấn đề an toàn của các ngân hàng rất quan trọng. Trong tình hình còn khó khăn hiện nay, nguyên tắc chia cổ tức là các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.
ACB, VPBank nhiều khả năng sẽ hoàn tất tăng vốn trong năm nay, bởi đây là 2 trong số 10 ngân hàng sẽ thí điểm áp dụng Basel II. Vietcombank cũng dự kiến nâng vốn điều lệ trong năm 2016 thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% và phát hành riêng lẻ 10% cổ phần. Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) có khả năng sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
Các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và vừa cũng chịu áp lực tăng vốn như: BacABank, SaigonBank đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ trong năm nay lên lần lượt 5.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, song cũng không dễ hoàn tất, do giá cổ phiếu ngân hàng giảm và thị trường chứng khoán chưa mấy khởi sắc, trong khi nguồn cung cổ phiếu tăng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra cuối tháng 4/2016, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank), ông Phương Hữu Việt Lãnh cho biết, năm 2015, VietA Bank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu và đang trình Ngân hàng Nhà nước phương án dùng nguồn lợi nhuận sau thuế để phát hành cổ tức. Ngân hàng sẽ thực hiện phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận với tỷ lệ là 7,5%. Nếu được thông qua, sau đợt phát hành này, VietA Bank sẽ tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 3.762 tỷ đồng.
Vân Linh

Theo baodautu.vn