Sức mua tại thành thị tăng, tại nông thôn giảm
Theo dự báo của Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2016 tại cả thành thị lẫn nông thôn dự báo chỉ ngang bằng năm 2015, ở mức 5 - 6%/năm.
Dự báo này cũng trùng với dự kiến tốc độ tăng trưởng chi tiêu thực của người tiêu dùng trong giai đoạn 2011 - 2016 đối với hàng tiêu dùng là 6% mà Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) từng đưa ra trước đó.


Xu hướng chính của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2016 là đề cao sự tiện lợi


Số liệu của Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2016, thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại thành thị (cụ thể là tại 4 thành phố lớn, gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, và Cần Thơ) tăng 3,1% so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ở khu vực nông thôn đã chậm lại, khi chỉ tăng 5,7% trong quý I/2016 so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Kantar Worldpanel Việt Nam cho hay, trong quý I/2016, mặc dù khu vực thành thị vẫn được ghi nhận tăng trưởng ổn định, nhưng tại khu vực nông thôn, thị trường hàng tiêu dùng nhanh lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây do khối lượng tiêu dùng giảm.
“Đây cũng là lý do Kantar Worldpanel Việt Nam đưa ra dự báo tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh ở cả khu vực thành thị và nông thôn sẽ gần như nhau trong năm nay, tăng 5 - 6%”, ông Hoàng nói thêm.
Mua sắm đề cao sự tiện lợi
Một trong những xu hướng chính của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2016 là đề cao sự tiện lợi. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, tỷ lệ phụ nữ đi làm nhiều hơn thì việc giúp họ tiết kiệm thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng. Các sản phẩm tiện lợi như sữa nước, thức uống lúa mạch dạng nước, cá hộp… được tiêu thụ mạnh là ví dụ điển hình cho xu hướng này.
Theo khảo sát gần đây về phong cách sống do Kantar Worldpanel thực hiện, không chỉ chọn lựa các sản phẩm tiện lợi, nhu cầu tiết kiệm thời gian còn được thể hiện thông qua việc lựa chọn nơi mua sắm của người tiêu dùng, khi phần lớn người tiêu dùng ưu tiên mua sắm ở những kênh thuận tiện, gần nhà hoặc trên đường về nhà.
Đó là lý do bán lẻ truyền thống của Việt Nam vẫn chiếm ưu thế, bởi lẽ các kênh tạp hóa, trong đó chủ yếu là các cửa hàng bách hóa ở khu vực thành thị và các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn, vẫn giữ được thị phần và tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh đó, yếu tố sức khỏe hiện cũng được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh xã hội nhức nhối với vấn đề thực phẩm bẩn, không khí và môi trường bị ô nhiễm, thì ý thức và hành vi bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng được đề cao hơn bao giờ hết. Kết quả là, các sản phẩm tốt cho sức khỏe như sữa đậu nành, thức uống lúa mạch hay sữa chua uống… đều được ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong thời gian gần đây.
Các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh của các tập đoàn, công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Unilever, P&G, Nestlé, Vinamilk, Nutifood, Masan… đứng đầu danh sách những thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn trong giỏ hàng khi mua sắm.
Trong 3 tháng đầu năm, ngành hàng sữa, sản phẩm từ sữa và ngành hàng thức uống tiếp tục đóng góp chính cho tăng trưởng ở thành thị. Ở thị trường nông thôn, khối lượng tiêu dùng giảm ở hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình.
Một xu hướng nữa trong mua sắm là chi tiêu trung bình của người tiêu dùng cho các mặt hàng làm đẹp, trang điểm, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí tại nhà như nước ngọt, bánh, bia… cũng đang gia tăng, thể hiện ở việc thị trường tiếp tục đón nhận thêm các thương hiệu bia, nước giải khát mới.
“Sẽ là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp nếu biết khai thác xu hướng này bằng việc liên tục cải tiến, sáng tạo, đa dạng hóa dòng sản phẩm để khơi gợi những nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong số các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng nhanh, gồm: đồ uống, thực phẩm, sữa, các mặt hàng chăm sóc gia đình (bột giặt, dầu gội đầu, sữa tắm)…, tốc độ tăng trưởng của mỗi nhóm có khác nhau, nhưng đều được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2016 - 2020.
Thế Hải

Theo baodautu.vn