Theo ông, vì sao từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng trở lại?
Tính đến đầu tháng 5/2016, ngân sách nhà nước đã huy động được gần 111.791 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) để bù đắp bội chi và chi cho đầu tư phát triển. Nhằm thu hút vốn, ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để cạnh tranh với ngân sách nhà nước.
Mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay của hệ thống ngân hàng hiện tại đã tăng thêm một điểm phần trăm so với cuối năm 2015. Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, chủ yếu là do Bộ Tài chính đẩy mạnh huy động TPCP, gây sức ép lên thị trường tiền tệ.


TS. Nguyễn Ngọc Hòa, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM


Vậy nguyên nhân sâu xa của việc ngân sách cạnh tranh huy động vốn với hệ thống ngân hàng xuất phát từ đâu?
Do thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, nên muốn đầu tư chẳng còn cách nào khác là phải đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành TPCP. Đó là chưa kể, năm nay phải huy động qua kênh này khoảng 96.000 tỷ đồng để đảo nợ.
Điều đáng quan tâm nữa là, do áp lực huy động vốn rất lớn, nên lãi suất TPCP khá hấp dẫn. Vì thế, sau khi huy động vốn ngoài xã hội, thay vì đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, thì nhiều ngân hàng lại tham gia rất tích cực trên thị trường TPCP (các ngân hàng mua 80 - 90% tổng lượng TPCP phát hành), do đầu tư vào kênh TPCP an toàn hơn, trong khi chi phí thấp hơn rất nhiều so với cho doanh nghiệp vay vốn. Hệ quả là, muốn vay được vốn, doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao hơn.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nếu tình trạng trên không sớm cải thiện, thì khó có thể giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay. Quan điểm của ông thế nào?
Trong 2 - 3 năm gần đây, Bộ Tài chính rất tích cực cơ cấu lại nợ TPCP, nên thời gian huy động TPCP dài hơn, chủ yếu là loại có thời hạn từ 5 năm trở lên; lãi suất TPCP cũng giảm dần so với giai đoạn 2010 - 2013, nên áp lực vay đảo nợ giảm dần, từ đó áp lực huy động TPCP cũng giảm theo. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang thắt chặt việc đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp cũng như Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội huy động vốn, nên cạnh tranh về lãi suất trên thị trường tiền tệ bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2017, khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương được mở rộng hơn, nên nhiều địa phương có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc này sẽ tạo áp lực lên thị trường tiền tệ, bởi các ngân hàng phải cạnh tranh lãi suất với lãi suất trái phiếu chính quyền địa phương.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất tiếp tục tăng, thưa ông?
Lãi suất tăng khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, nên sẽ tác động ngay tới sản xuất - kinh doanh, đồng thời gây khó cho nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước trước. Thực hiện chính sách lãi suất thực dương, khi lạm phát tăng do bất cứ nguyên nhân gì, ngân hàng lại buộc phải nâng lãi suất.
Một khi không kiểm soát được lãi suất, chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng, thu ngân sách giảm, bội chi gia tăng, thì ngân sách nhà nước lại phải đẩy mạnh huy động TPCP để bù đắp bội chi, trả nợ và chi cho đầu tư phát triển.
Những vòng luẩn quẩn như vậy phải sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả, bởi nếu không sẽ đặt nền kinh tế vào mức độ rủi ro cao.
Theo ông, trước mắt cũng như trung và dài hạn, cần phải làm gì để chấm dứt các vòng luẩn quẩn đó?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đang hoàn thiện kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn theo nguyên tắc kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, tiết kiệm triệt để chi tiêu thường xuyên; không ban hành chính sách mới nếu không có nguồn để thực hiện; không đầu tư vào bất cứ dự án nào, trừ những dự án đặc biệt cần thiết nếu không tìm được nguồn vốn…
Ngoài ra, theo tôi, chỉ nên cho phép địa phương chi đầu tư phát triển nếu tiết kiệm được chi thường xuyên, tiết kiệm được các khoản đầu tư chưa cần thiết khác, đồng thời hạn chế tối đa các địa phương chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu. Hàng năm, Chính phủ phải kiên quyết giảm dần mức bội chi, tiến tới giữ mức bội chi tối đa 4% vào năm 2020.
Còn trong thời gian trước mắt, phải thực hiện nghiêm Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh... gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Bộ Tài chính phải thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ; chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác định khối lượng phát hành, thời điểm và lãi suất TPCP, bảo đảm cân đối vĩ mô và an toàn nợ công.
Mạnh Bôn

Theo baodautu.vn