Hè về là mùa cao điểm cho hàng ngàn cơ sở sản xuất nước đóng chai đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Song trước ma trận nước đóng chai các loại, người tiêu dùng khó lòng nhận biết đâu là sản phẩm thật sự sạch, thật sự tinh khiết, hoặc chỉ đơn giản là không gây hại cho sức khoẻ của mình.
Sự lo lắng của người tiêu dùng về nước đóng chai đảm bảo chất lượng là có cơ sở, khi mới đây, qua kiểm tra, 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai tại Hà Nội đã bị Sở Y tế Hà Nội “vạch mặt” do sản xuất uống đóng chai không đạt chuẩn. Các lỗi vi phạm chủ yếu mà các cơ sở này mắc phải là mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn, không đạt điều kiện vệ sinh, chưa xét nghiệm nguồn nước sử dụng cho sản xuất...


Một dây chuyền... nước đóng chai


Cần phải nói thêm, các cơ sở này đã bị xử lý vi phạm hành chính trong hai đợt thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền trong thời gian gần đây.
Để có đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước tinh khiết, các cơ sở phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý và tuân thủ các quy định của Nhà nước, cụ thể là thực hiện nghiêm chỉnh Luật An toàn thực phẩm.
Thế nhưng, hiện nay không ít cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, vì lợi nhuận mà lờ đi việc chấp hành những quy định buộ phải tuân thủ, sẵn sàng tung ra thị trường những sản phẩm không đạt chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Cuộc kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội mới đây cho thấy, thủ đoạn “qua mặt” cơ quan chức năng và coi thường người tiêu dùng của các cơ sở sản xuất đang ở mức khá nghiêm trọng. Cụ thể, theo kết quả kiểm tra, trong 64 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, ngoài việc phát hiện 10 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn, 4 cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh, 3 cơ sở chưa xét nghiệm nguồn nước sử dụng cho sản xuất và 3 cơ sở vi phạm về giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ và nhãn sản phẩm.
Với các cơ sở sản xuất nước đá dùng liền, tình hình có vẻ khả quan hơn, khi chỉ có 2/15 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 6 triệu đồng.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội xác nhận, kết quả này được tổng hợp dựa trên đợt thanh kiểm tra của 2 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và sản xuất nước đá dùng liền.
Theo nhận định của Tổ chức Giám sát kinh doanh quốc tế (IBM), thị trường nước uống đóng chai tại Việt Nam rất hấp dẫn, với tốc độ phát triển 12-13%/năm.
Thống kê sơ bộ, hiện có có đến hơn 1.000 nhãn hiệu đang hoạt động và hai thương hiệu lớn nhất là Lavie của Tập đoàn Nestle và Aquafina của PepsiCo.. Mặc dù là thị trường rộng lớn với hàng ngàn cơ sở sản xuất và các nhãn hiệu, nhưng 70 - 80% thị phần ngành nước uống đóng chai của Việt Nam lại rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài, chỉ một phần nhỏ thị phần thuộc các doanh nghiệp trong nước. Và, sự bát nháo chủ yếu đến từ các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
Cũng bởi vậy, các doanh nghiệp lớn đang thống lĩnh thị trường hiện gặp khó với tình trạng làm giả, nhái nhãn hiệu. Cách đây chưa lâu, Công an TP. Hà Nội đã làm rõ thủ đoạn sản xuất nước Lavie giả. Cùng với lo ngại của doanh nghiệp bị làm giả, người tiêu dùng cũng đã thiệt hại khi mua phải những lô hàng này.
Đó là Công ty cổ phần Hoàng Sa Việt Nam có trụ sở và xưởng sản xuất tại số 26, ngõ 230 Định Công, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đã làm giả rất nhiều sản phẩm nước khoáng thiên nhiên của nhãn hiệu Lavie. Tại Công ty, Cơ quan điều tra đã phát hiện rất nhiều nhãn Lavie và capseal (màng co), dây truyền đóng nước vào bình, nhãn hiệu và nhiều bình nước Lavie 19 lít thành phẩm nghi là giả.
Khai nhận với cơ quan điều tra, đại diện công ty này cho biết, lợi dụng việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Lavie, sau đó lấy vỏ bình nước khoáng thiên nhiên Lavie đóng nước vào rồi dán màng co và nhãn Lavie dán lên miệng bình mang đi tiêu thụ với giá ngang bằng sản phẩm thật là 55.000 đồng/bình.
Quy trình sản xuất nước uống đóng chai hiện nay đơn giản tới mức, chỉ cần mấy mét vuông nhà, vài chiếc bình lọc… là đã có thể cho ra sản phẩm! Một trong những lý do “khuyến khích” vấn nạn này là do thủ tục quá đơn giản cho việc mở cơ sở sản xuất kinh doanh nước tinh khiết đóng chai. Chỉ cần lấy mẫu nước của cơ sở sản xuất rồi nộp cho cơ quan y tế dự phòng kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước, nồng độ pH… vậy là có thể được cấp giấy phép hoạt động.
Không chỉ Hà Nội, trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã kiến nghị đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai có hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm.
Theo báo cáo của Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An, 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước khoáng đóng chai có 21/37 mẫu nước không đạt tiêu chuẩn theo công bố, chứa vi khuẩn nguy hiểm. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là vi sinh vật như Ecoli, Coliforms, Sunphite, trong đó, có nhiều mẫu nước chứa trực khuẩn mủ xanh.
Để hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh nước đóng chai không đạt chất lượng tại Hà Nội, theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội, thời gian tới, trước nhu cầu sử dụng nước tinh khiết, nước đá lớn vào mùa hè, Chi cục sẽ tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở có vi phạm nói trên và tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở khác, lấy mẫu kiểm nghiệm tại cơ sở và mẫu lưu thông trên thị trường, để xử lý nghiêm các vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Với thực tế, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở sản xuất, với nhiều hơn thế các cơ sở kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, chủ yếu là các cơ sở quy mô nhỏ, cơ quan quản lý không dễ dàng để quản lý triệt để và người tiêu dùng vẫn nơm nớp lo khi sử dụng các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình.
Thế Hải

Theo baodautu.vn