Theo kế hoạch mới của Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia Thái Lan công bố gần đây, Chính phủ nước này sẽ bán ra 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong hai tháng 5 và 6. Số gạo sẽ được bán đấu thầu, với mỗi lô là một triệu tấn.
Nếu kế hoạch xả hàng gạo tồn kho này được thực hiện thành công, đây sẽ là đợt bán gạo ra thị trường thế giới lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Thái Lan, lớn hơn cả lượng gạo xuất khẩu bình quân hàng năm trước đây. Trong nhiều năm qua, lượng gạo xuất khẩu bình quân mỗi năm của Thái Lan đạt trung bình 10 triệu tấn.



Gạo cấp thấp Việt sẽ bị ảnh hưởng nếu Thái Lan xả 11,4 triệu tấn gạo.


Đánh giá về tác động trên, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam cho rằng, vài năm nay, lượng gạo tồn kho của Thái Lan luôn được xem có ảnh hưởng đến giá gạo thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng ở đợt công bố bán ra 11,4 triệu tấn gạo lần này, đa phần là gạo cấp thấp, chỉ có khoảng 100.000 tấn là gạo có chất lượng, do đó, có thể chỉ mặt hàng gạo cấp thấp của Việt Nam là chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông Năng, doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng, vì những hợp đồng đã ký từ quý IV/2015 đến nay vẫn chưa giao hết hàng, còn khoảng 1,4 triệu tấn. Đó là chưa tính các hợp đồng ký mới. Riêng với gạo cấp cao của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng vì những thị trường này, gạo Thái ít cạnh tranh hơn.
Đồng quan điểm với ông Năng, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cũng cho biết, năm nay, nếu không tính lượng gạo tồn kho đang được xả hàng nói trên, Thái Lan cũng chỉ đặt ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn. Vì thế, đợt xả hàng này rất khó thành công và nếu có thành công thì cũng chỉ ảnh hưởng đến phân khúc gạo cấp thấp. Lý do là vì gạo Thái đa phần là gạo cũ, chất lượng thấp. Nếu bán cũng chỉ cạnh tranh với gạo Việt ở các nước nghèo như châu Phi hoặc tổ chức viện trợ nhân đạo.
Cũng xác nhận sẽ có tác động nhưng không quá nhiều, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đối với những thị trường truyền thống của gạo Việt dù đang có nhu cầu nhập gạo nhưng cũng chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Tại Lộc Trời, đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm gạo cấp thấp cũng như cao cấp vẫn ổn định vì đa phần là các hợp đồng dài hạn. Hiện các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật vẫn mua vào với mức giá cao. Đặc biệt, phân khúc gạo cao cấp của Lộc Trời được khá nhiều thị trường ưa chuộng.
Đánh giá về tình hình trên, chuyên gia lúa gạo - GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng, thị trường gạo Việt sẽ bị ảnh hưởng nhưng không trầm trọng. Bởi lẽ, gạo Thái xả hàng đa phần là gạo cũ đã để 2-3 năm, chất lượng kém. Năm 2013, quốc gia này cũng đã từng xả 8 triệu tấn gạo cũ nhưng lượng mua vào của doanh nghiệp nhập khẩu khá thấp. Nếu càng để lâu thì gạo này chỉ có thể làm thức ăn gia súc chứ người tiêu dùng không lựa chọn.
"Gạo Việt dù không đồng đều nhưng đa phần là gạo mới, chất lượng hơn nhiều so với gạo cũ của Thái, nên nếu có tác động thì giá có thay đổi đôi chút. Thực tế, với số lượng hàng xả trên, tôi nghĩ đây là con số quá lớn, Chính phủ Thái sẽ khó bán thành công vì chỉ có châu Phi, Indonesia và Philppines có thể mua loại hàng này. Tuy nhiên, số lượng mua cũng hạn chế và nếu có mua thì các quốc gia này cũng chỉ mua khoảng hơn triệu tấn", ông Xuân nói.



Những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam 4 tháng đầu năm.


Cũng rất quan tâm đến sự kiện này, trong họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết lo ngại cạnh tranh giá với gạo Thái khi nước này cho xả kho gạo tồn là có cơ sở và yêu cầu các doanh nghiệp bám sát các đơn hàng xuất khẩu, tìm cách giữ thị trường, đặc biệt các thị trường trọng điểm, truyền thống.
Bộ Công Thương sẽ tăng cường xúc tiến, phát triển, đa dạng hoá thị trường, giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các loại gạo có chất lượng cao mang lại giá trị kinh tế lớn.
Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính bày tỏ lo ngại về việc cạnh tranh gay gắt về giá khi các loại gạo xả kho của Thái Lan có đến 7,5 triệu tấn dưới chuẩn, 1,5 triệu tấn để chế biến công nghiệp và 2,4 triệu tấn gạo mục, hỏng… Ngoài ra, sự cạnh tranh còn đến từ phía các nước xuất khẩu gạo lớn như: Campuchia, Ấn Độ, Myanmar… Trước mắt, Bộ đề nghị đàm phán lại nghị định thư với Trung Quốc về kiểm dịch thực vật với gạo để phù hợp thông lệ quốc tế, tránh bất lợi cho gạo Việt Nam.
Đầu năm 2016, Thái Lan đặt mục tiêu năm 2016 xuất khẩu gạo đạt 9 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm trước. Thị trường xuất khẩu trọng yếu là Trung Quốc, Indonesia, Philippines - đây cũng là những nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4 của Việt Nam ước đạt 510.000 tấn với giá trị đạt 235 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 4 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ, dao động 420-438 USD một tấn.

Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với 31,54% thị phần, đạt 474,39 triệu tấn, kim ngạch 214,58 triệu USD, tăng 41,78% về khối lượng và tăng 61,76% về giá trị so với cùng kỳ 2015.
Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai, với 20,45% thị phần, đạt 350.700 tấn và 139,1 triệu USD, tăng 73,8 lần về khối lượng và 74,2 lần về giá trị so với cùng kỳ 2015.
Hiện tại, Ghana, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Philippines, Bờ Biển Ngà, Singapore và Mỹ... là những thị trường đang có sự tăng trưởng mạnh, nhất là dòng gạo cao cấp.




Thi Hà - Bạch Dương (vnexpress)

Theo baodautu.vn