Còn nhớ cách đây 1 năm, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã từng bộc bạch, Công ty đang đứng trước một “cuộc thử lửa” lớn nhất trong lịch sử gần 60 năm của doanh nghiệp giàu truyền thống này. Bởi lẽ, với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) được ký kết và có hiệu lực, hàng hóa của Công ty sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng ngoại nhập.
Trong khi ở phân khúc cao cấp, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vẫn chỉ là đấu sỹ thấp bé so với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Philips, Osram…, thì ở phân khúc bình dân, cuộc cạnh tranh với hàng Trung Quốc và các doanh nghiệp lắp ráp, thậm chí còn nóng bỏng hơn. Hiện tại, Việt Nam có hơn 120 công ty kinh doanh bóng đèn LED, nhưng hầu hết đều theo phương thức nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp. Lợi thế của mô hình này là vừa không mất chi phí nghiên cứu, mà còn tránh được thuế.


Sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông


Một quý đầu của năm 2016 đã trôi đi, các cổ đông của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có thể tạm thời thở phào bởi kết quả kinh doanh không bị sa sút, thậm chí vẫn có xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là sự khởi đầu và chặng đường phía trước của doanh nghiệp này vẫn còn rất dài và trắc trở. Đặc biệt, xu hướng đổi mới công nghệ trong thiết bị chiếu sáng ngày càng tăng tốc, không chỉ tạo áp lực cho Rạng Đông phải đổi mới sản phẩm theo kịp thị trường, mà còn phải cân đối mức độ tiêu thụ vì hàng tồn kho sẽ bị giảm giá trị rất nhanh do lạc hậu công nghệ.
Trong khi đó, việc xử lý hàng tồn kho luôn là vấn đề gây đau đầu các nhà lãnh đạo Rạng Đông. Tại thời điểm cuối năm 2015, giá trị hàng tồn kho của Rạng Đông ở mức khá lớn, tới hơn 1.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới gần 50% tổng tài sản của doanh nghiệp. Lãnh đạo Rạng Đông cho biết, một số trường hợp đặt hàng khối lượng lớn, nên doanh nghiệp buộc phải có thời gian chuẩn bị dài.
Trước bối cảnh cạnh tranh gắt gao hiện nay, Rạng Đông tỏ ra vẫn khá kiên định với con đường đầu tư chuyên sâu. Theo đánh giá của Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Rạng Đông cũng có lợi thế về trình độ công nghệ cao, đặc biệt với công nghệ LED.
Dự kiến trong năm 2016 - 2017, Rạng Đông sẽ tung khoản tiền lên tới 193 tỷ đồng đầu tư thiết bị công nghệ. Cụ thể, Công ty sẽ dành 40 tỷ đồng để đầu tư cho lò thủy tinh không chì nấu điện hoàn toàn, 40 tỷ đồng cho lò thủy tinh phích, 5 tỷ đồng cho đầu tư thiết bị xưởng compact tiết kiệm điện. Cũng trong kế hoạch này, Rạng Đông dành 15 tỷ đồng đầu tư xử lý môi trường nước thải, 3 triệu USD (khoảng 60 tỷ đồng) cho xưởng điện tử và LED, 10 tỷ đồng cho thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 14.000.
Trước đó, trong năm 2015, Rạng Đông đã đầu tư 41,5 tỷ đồng mua sắm nâng cấp tài sản cố định. Trong đó, một số dây chuyền được đầu tư trong năm 2015 gồm: dây chuyền AC-60 LED, các máy cắm tụ điện, máy hàn thiếc, băng chuyền và máy hàn sóng, máy xếp linh kiện, khuôn mẫu phích, khuôn phụ tùng, khoang đốt băng ủ... Trong giai đoạn trước, hàng năm, công ty này cũng đã dành khoảng 1 - 1,5% doanh thu để đầu tư nâng cao trình độ công nghệ.
Ngoài ra, sách lược khác mà Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đang tính tới là bài toán hướng ra xuất khẩu, qua đó lấy doanh số xuất khẩu bù đắp cho khả năng có thể phải phân chia thị phần tại thị trường nội địa cho nhiều đại gia nước ngoài.
Chí Tín

Theo baodautu.vn