Khu vườn 40 m2 của gia đình Nguyễn Mạnh Tùng ở phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, có đủ loại rau, trái, lợn, gà nuôi thịt. Trên các diễn đàn trồng cây, rau sạch, Tùng được biết đến như một "thợ làm vườn" mát tay với vườn dưa các loại lúc nào cũng trĩu quả.





Khu vườn được gia đình Tùng gây dựng cách đây khoảng 6 năm. Ban đầu, khoảng đất trên sân thượng chỉ trồng rau, sau mới trồng trái và làm nơi nuôi lợn, gà, thả cá. Tùng bắt đầu công việc của một "thợ làm vườn" với cây dâu tây từ năm ngoái. Thấy lạ lạ hay hay, cậu tìm mua bằng được cây giống. Từ một vài cây rồi đến cả 100 cây sau đó được chàng trai này bày trên hành lang diện tích khoảng 10 m.
Tùng cho biết dâu tây có thể trồng quanh năm nhưng chỉ ra hoa, quả từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, còn lại cây phát triển lá và ra ngó (đẻ con). Về đất trồng, cậu dùng đất tribat, đất giá thể (tỉ lệ 1/1), ít phân bò hay trùn quế (khoảng 1 kg/10 kg đất), xỉ than đập vụn. Trong quá trình trồng, chú ý không tưới trực tiếp vào lá (tưới bề mặt đủ ẩm) và cắt tỉa lá già, làm sạch gốc. Thời tiết lạnh quá, nên hoà thêm ít nước ấm rồi mới tưới cho cây (khoảng 25 độ C).





Cây tiếp theo Tùng trồng là dưa lưới. Lần đầu trồng, Tùng mày mò trộn đất với phân. Với dưa lưới, cậu trồng nhiều đất và dùng nhiều phân bón hơn so với dâu tây. Thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng hai tháng.





Dưa lưới phát triển nhanh và cây rất khoẻ. Từ lúc gieo hạt đến khi ra hoa, thụ phấn khoảng 3-4 tuần và sau 25-30 ngày, quả bắt đầu chín. Dấu hiệu chín tuỳ thuộc vào giống dưa. Có loại chín vỏ, có mùi, đổi màu vân lưới. Mỗi cây chỉ nên nuôi 1-2 quả vì để càng nhiều, quả càng bé và ăn sẽ nhạt. Mùa đầu, Tùng trồng 12 cây, mỗi cây được một quả. Trái nặng từ một đến 1,5 kg, ăn ngọt, thơm và thịt dày. Dưa lưới trồng được nhiều vụ trong năm, từ tháng 3 đến tháng 11 được khoảng 3-4 vụ.





Sau dưa lưới là dưa lê. Cậu bắt đầu trồng từ tháng 3 trong thùng xốp, bón nhiều phân để thu hoạch được nhiều hơn, khoảng 3-5 kg phân chuồng/thùng xốp 25 kg.
Cách trồng: Lúc cây còn bé có khoảng 3-5 lá thật, Tùng bấm ngọn và mấy ngày sau cây ra nhánh mới. Mỗi nhánh được 5 lá, cậu sẽ bấm ngọn tiếp, cứ như vậy cây ra nhiều nhánh hơn và quả đảm bảo nhiều.
"Tôi trồng 5 cây dưa lê thôi mà cứ vài ngày lại có quả ăn và vài tháng sau, cây già cỗi là bỏ. Quả bự nhất 0,5 kg còn bình thường, ít cũng 0,3kg/quả. Quả ruột chắc, thơm và rất ngọt", Tùng cho hay.





Ngoài ra, Tùng còn trồng cả dưa chuột. Dưa chuột dễ trồng nhất trong các loại dưa và quả cũng sai. Loại quả này trồng vào mùa thu đông là hợp nhất. Tùng cho hay hầu hết các loại dưa đều ưa nắng nên người trồng phải chú ý tưới nước.





Năm nay, thời điểm này Tùng mới bắt đầu trồng dưa và hai tháng nữa mới thu hoạch được. Tùng trồng 4-5 loại dưa lưới, dưa lê quả to, dưa chuột đen, dưa hấu ruột vàng.





Năm ngoái là lần đầu tiên Tùng trồng dưa. Mùa đầu tiên, vườn dưa cho thu hoạch 250 kg.





Tùng thích chăm sóc cây và cảm thấy hạnh phúc khi trông thấy cây lớn từng ngày. "Tôi thích gì là mê mẩn tìm tòi và dành nhiều thời gian chăm cây. Muốn chăm thật tốt và rất vui khi cây bắt đầu cho hoa, quả", Tùng nói.





Lần đầu tiên thu hoạch thành quả do chính mình tạo ra, Tùng "sung sướng và thích lắm". "Tôi ngắm cho bao giờ quả rụng thì mang xuống cho mọi người. Tôi không ăn mấy", Tùng kể.





Tùng gặp nhiều khó khăn khi bắt tay làm vườn. Cậu tự mày mò biện pháp thủ công nhưng an toàn vì "cây ăn quả mà dùng thuốc là không sạch nữa rồi".
"Sạch 100% là yên tâm. Ví dụ thuốc trừ sâu, tôi dùng nước ép từ tỏi hòa với ớt rồi tưới vài hôm là hết. Để tránh ong châm, tôi bọc quả bằng nilon hoặc giấy báo. Hai tháng mới được một quả nên cẩn thận cho chắc", Tùng chia sẻ.





"Cứ giống lạ là tôi trồng. Dưa thì hầu như tôi chăm sóc, còn rau với lợn, gà, cá, bố mẹ phụ trách. Cả nhà cùng lao động", Tùng cho hay. "Đợt này lợn còn một con, có dạo nhiều là 6-7 con, to nhất được 180 kg", Tùng nói.





Rau, trái và thực phẩm sẵn có trên sân thượng nên nhà Tùng hầu như không mất tiền đi chợ. Hôm nào muốn đổi món, mẹ Tùng mới mua tôm hay thịt bò.





Mô hình VAC nhà Tùng khép kín nên dù nuôi lợn trên tầng 5, gia đình cậu vẫn đảm bảo không gây phiền hà cho hàng xóm vì mùi phân lợn.
"Nuôi trên tầng 5 nên xung quanh rất thoáng và vệ sinh sạch sẽ. Nước thải được tận dụng hết. Phân lợn chịu khó dọn dẹp sạch lại ủ làm phân bón rau. Chịu khó là được", Tùng cho biết.


Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hà Phương (vnexpress)

Theo baodautu.vn