Theo Hội doanh nghiệp quận Hải An, TP Hải Phòng, hiện nay đa số các doanh nghiệp, lớn có nhỏ có đều gặp khó khăn về tài chính nhưng việc tiếp nguồn vốn có phần dễ dàng hơn với các doanh nghiệp lớn. Theo thống kê của Hội, nếu như 76% số doanh nghiệp lớn vay được vốn từ ngân hàng thì con số này ở doanh nghiệp vừa là 72%, nhỏ là 62% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 38%. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực từ việc buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn còn khá phức tạp.
Chính vì thế, chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải tự cứu mình thông qua việc huy động vốn từ bạn bè, gia đình và thị trường tín dụng (chợ đen). Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc vay vốn từ thị trường tín dụng họ phải chịu mức 6% trên tổng số vốn đầu tư nên cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn trong thời gian tới.


Lãi suất dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao


Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ngày 24/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị Định số 38/2013/NĐ-CP về viêc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay của các nhà tài trợ, trong đó cho phép đối tượng là doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn vốn này.
Tuy nhiên cho đến nay, số doanh nghiệp nhận được vốn ODA ở địa bàn tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, thụ tục để đối tượng là doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn này rất phức tạp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước lại tiếp cận khá dễ dàng. Điều này đã tạo ra một lợi thế quá rõ ràng cho nhóm doanh nghiệp nhà nước khi so với nhóm tư nhân nhưng chưa chắc tính hiệu quả trong việc sử dụng đồng vốn sẽ cao hơn.
Nguyên nhân là do khi vốn ODA chảy vào khu vực doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ vận động theo “tư duy nhiệm kỳ”, dẫn đến tình trạng người đứng đầu thiếu trách nhiệm với đồng vốn, không phát huy được hiệu quả và thậm chí là gây thất thoát, lãng phí. Thực tế là thời gian qua không thiếu những bài học về hệ quả của việc ưu ái doanh nghiệp nhà nước vay ODA.
Chính vì thế, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị cần xem xét tạo cơ chế công bằng trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA với nhóm tư nhân. Và việc này cần phải được triển khai khẩn trương để tạo lợi thế cạnh tranh cho nhóm doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Định kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vay ngoại tệ. Nếu không, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó Ngân hàng nên nhận tiền gửi bằng ngoại tệ có lãi suất để huy động được vốn trong và ngoài nước, số ngoại tệ này phải quay vòng cho các doanh nghiệp trong nước vay để tránh tình trạng chảy máu ngoại tệ.
Công Sang

Theo baodautu.vn